Giống như nhân viên Văn Phòng, họ có 8 tiếng mỗi ngày để làm việc trong giờ hành chính thì các cơ quan trong cơ thể cũng vậy, chúng cũng có giờ giấc hoạt động riêng.
Việc nắm rõ từng khung giờ hoạt động của chúng và tôn trọng, hỗ trợ để các bộ phận được làm việc đúng giờ, sẽ góp phần duy trì sức khoẻ và thậm chí là còn giúp cho chúng ta kéo dài cả tuổi thọ nữa.
Vậy khung giờ làm việc của các bộ phận trong cơ thể là những khung giờ nào? Chúng ta cần làm gì, ăn uống gì trong các thời điểm đó?
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn chi tiết khung giờ sinh hoạt của từng cơ quan cũng như là vai trò của các bộ phận trong cơ thể. Hãy đọc hết bài để hiểu được tầm quan trọng của điều này nhé.
Tại Sao Cần Phải Tuân Theo Giờ Của Cơ Quan Nội Tạng?
Đó cũng là giờ làm việc chính thức của từng cơ quan nội tạng trong cơ thể của chúng ta.
Nói một cách đơn giản, thời gian trong ngày để bạn làm việc hiệu quả nhất đó chính là giờ hành chính, từ 08 giờ đến 17 giờ. Sau khung giờ này bạn sẽ chỉ muốn nghỉ ngơi thôi. Nếu ai còn bắt bạn làm việc vào lúc 12 giờ khuya thì bạn chỉ muốn đình công, hoặc bạn có cố gắng làm thì sau đó cũng sẽ kiệt sức.
Các cơ quan nội tạng trong cơ thể chúng ta cũng như vậy đó bạn ạ.
Các cơ quan nội tạng đều có khung giờ làm việc riêng và chúng ta cần tôn trọng lịch trình ấy, hỗ trợ chúng hoạt động đúng giờ nhằm duy trì sức khoẻ cho chính ta.
Khi chúng ta sinh hoạt sai giờ, các bộ phận vẫn sẽ cố gắng làm việc nhưng lâu dần chúng sẽ bị kiệt sức và dễ mắc bệnh. Cũng như nếu bạn phải làm việc thường xuyên vào tối muộn, khung giờ mà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi thì bạn sẽ không thể nào thấy khoẻ mạnh và hạnh phúc vì điều đó được.
Một số thói quen không tốt để làm ví dụ cho việc ta thường bắt các cơ quan nội tạng làm việc sai giờ như: ăn uống vào giờ chuẩn bị đi ngủ (10 giờ, 11 giờ đêm,…); ngủ nướng vào giờ ăn sáng và bỏ luôn bữa sáng; chơi game, luyện phim vào giờ mà não cần được nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ thật say,…
Những điều độc hại ấy, ta thường không để ý và vẫn cứ thực hiện thường xuyên. Sự suy yếu của các bộ phận sẽ diễn ra âm thầm, đến lúc những căn bệnh xuất hiện trên thân thể ta thì ta lại đổ tiền và thuốc tây vào mà cứu chữa.

Nếu bạn không quan tâm và hỗ trợ cho các cơ quan nội tạng được hoạt động đúng với khung giờ làm việc của nó, thì đến các độ tuổi 40, 50 bạn sẽ dần thấy được những hậu quả của điều này. Cơ thể bắt đầu có những triệu chứng suy yếu, bệnh này, bệnh kia bắt đầu xuất hiện.
Một khi đã đọc được bài viết này thì cần nên điều chỉnh lại thôi. Chúng ta sẽ qua phần tiếp theo để tìm hiểu về các khung giờ làm việc cụ thể của nội tạng nhé.
Khung Giờ Làm Việc Của Nội Tạng
Đầu tiên hãy bắt đầu với thời điểm chúng ta cần ngủ dậy, hay còn gọi là thời gian để bắt đầu một ngày mới. Và thời điểm đó cũng chính là khung giờ của 2 lá Phổi.
Giờ của Phổi: 3 giờ – trước 5 giờ
Bạn biết không, khung giờ chuẩn để chúng ta thức dậy cũng chính là giờ làm việc của phổi. Chỉ khi nào bạn thức dậy thì phổi mới được hoạt động hiệu quả và mang lại sự khoẻ mạnh cho 2 lá phổi.
Và giờ của phổi là vào khoảng từ 3 – 5 giờ sáng.
Vào khung giờ này, không khí bên ngoài sẽ khá trong lành, thoáng mát. Đường phố rất ít xe cộ qua lại, không có khói bụi, không có tiếng ồn, nên nếu thức dậy vào thời gian này thì phổi sẽ hấp thu nhiều Oxy có lợi.
Do vậy bạn hãy rèn thói quen thức dậy vào khung giờ từ 3 – 5 giờ sáng để phổi được làm đúng chức năng của nó, góp phần tăng cường sức khoẻ và tuổi thọ của lá phổi. Và để có được động lực thức dậy sớm mỗi ngày, bạn hãy đọc bài viết bên dưới nhằm hiểu rõ hơn những lợi ích của việc thức dậy sớm nhé.
>>> Cùng chủ đề: Thức Dậy Sớm Để Nhận Được Nguồn Năng Lượng Quý Này

Giờ của Ruột già: 5 giờ – trước 7 giờ
Đây là khung giờ làm việc của ruột già, vì vậy bạn nên đi vệ sinh để ruột được hoạt động tốt nhất, giúp tối ưu hiệu quả thải độc của ruột.
Nếu giờ này mà bạn còn ngủ thì có nghĩa là bạn sẽ bỏ qua cơ hội thải độc rất hữu ích, bỏ qua một phương cách giúp ruột già của mình được duy trì tuổi thọ của chính nó.
Tất nhiên là bạn vẫn có thể đi vệ sinh vào bất cứ thời gian nào trong ngày, nhưng nếu đi vào khung giờ trên thì vô cùng tuyệt vời. Vào lúc này ruột đang hoạt động rất mạnh để tống khứ một khối lượng lớn các chất thải ra khỏi cơ thể.
Giờ của Dạ dày và Ruột non: 7 giờ – trước 9 giờ
Đây là khung giờ của dạ dày, nên hãy cố gắng ăn sáng trong khoảng thời gian này, để dạ dày được làm đúng chức năng với công suất tốt nhất.
Nếu giờ này bạn vẫn chưa ăn sáng thì dạ dày vẫn cứ co bóp, nhưng là co bóp một cái bụng trống rỗng. Với những người phải đi làm sớm, làm việc nhiều và nặng nhọc vào buổi sáng thì mình nghĩ là họ không nên bỏ qua bữa sáng. Ăn sáng đầy đủ và healthy sẽ giúp cơ thể sẽ có năng lượng tốt hơn để làm việc.
Khung giờ này cũng là giờ của Ruột non, nó sẽ chờ đợi thức ăn được đưa xuống từ Dạ dày để tích cực xử lý và hấp thu chất dinh dưỡng.

Giờ làm việc của chính bạn: 9 giờ – 17 giờ
Khung giờ này thì không nói chắc bạn cũng biết, đây là thời gian để chúng ta tập trung làm việc. Hay nói cách khác, đó là giờ của chính bạn, bạn cần phải làm việc vào lúc này thì mới đạt hiệu suất tối ưu. Rất hiếm ai có thể làm việc hiệu quả, năng suất ở ngoài khung giờ này!
Trong khung giờ này cũng có những lúc bạn cần ăn trưa, nghỉ ngơi. Và giờ ăn trưa có thể bắt đầu từ 11 giờ, giờ nghỉ trưa bắt đầu từ 12 giờ, kết thúc vào trước 13 giờ để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo.
Một lưu ý nhỏ cho giờ ngủ trưa, đó là bạn đừng cho phép mình ngủ quá lâu, chỉ nên chợp mắt chừng 15 phút hoặc tốt nhất là không nên ngủ mà chỉ cần ngồi thư giãn nhẹ nhàng. Vì nhiều khi ngủ trưa mà không để báo thức cũng dễ khiến ta ngủ quên làm lố qua giờ làm việc chiều.
Giờ ngủ trưa không giống với lúc ngủ đêm, không cần phải ngủ nhiều và sâu. Nếu bạn ngủ trưa quá 2 tiếng thì sự tập trung cho công việc buổi chiều sẽ bị suy giảm.
Với mình thì, buổi trưa gần như mình không nằm ngủ mà chỉ ngồi trên chiếc ghế nệm làm việc và ngả người ra sau 1 tí, nghe nhạc nhẹ nhàng, thư giãn trong khoảng 45′ – 60′ rồi quay lại làm việc ngay. Điều đó làm cho thời gian làm việc buổi chiều được bảo toàn, không bị hao hụt hay ảnh hưởng bởi giấc ngủ trưa quá lố.
Đồng thời, mình cũng xin nói thêm 2 khung giờ của 2 bộ phận không kém quan trọng trong thời gian này, đó là:
- Giờ của Lá lách: 9 giờ – trước 11 giờ: nên hạn chế uống đồ lạnh và đồ ngọt vào khung giờ này để không làm ảnh hưởng đến chức năng của lá lách.
- Giờ của Tim: 11 giờ – trước 13 giờ: nên ngủ trưa ngắn khoảng 15 – 20 phút để tim được nghỉ ngơi, giúp tim khoẻ mạnh và có thêm năng lượng cho buổi làm việc chiều.
Giờ ăn tối: sau 17 giờ – 19 giờ
Đã đến giờ ăn tối, hãy ngừng công việc hoàn toàn và đi chuẩn bị bữa tối cho mình. Hãy luôn ghi nhớ khung giờ ăn tối chỉ giới hạn đến 19 giờ, đừng nên ăn trễ hơn, có trễ thì cũng trễ tối đa là 30′, trễ hơn nữa có thể ảnh hưởng đến dạ dày bạn nhé.
Một lưu ý quan trọng nữa, bữa ăn tối được xem như là bữa ăn ít quan trọng nhất trong ngày, cho nên hãy chỉ ăn nhẹ nhàng và hạn chế những loại thức ăn khó tiêu.
Hai lưu ý trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ buổi tối của bạn. Sau 19 giờ thì dạ dày xem như đã hết giờ làm việc, nó chỉ dành thời gian còn lại trong ngày để cố gắng tiêu hoá hết chỗ thức ăn mà bạn đã ăn vào bữa tối và sau đó cũng sẽ nghỉ ngơi trong lúc bạn lên giường đi ngủ.
Do vậy việc ăn trễ sau 19 giờ, hoặc ăn quá nhiều, ăn đồ khó tiêu thì công việc của dạ dày sẽ nặng nề và phải kéo dài đến tận 21, 22 giờ. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ và tuổi thọ của dạ dày rất nhiều.
Giờ nghỉ ngơi, thư giãn: sau 19 giờ – 21 giờ
Ăn tối xong là đến giờ nghỉ ngơi chính thức của bạn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Đã đến lúc bạn thư giãn, dành thời gian chơi đùa, trò chuyện cùng các con.

Trong thời gian này, nếu thật sự không cần thiết thì cũng đừng đụng đến máy tính và công việc nữa, hãy để đầu óc của bạn được nghỉ ngơi thực sự.
Việc cố gắng tranh thủ làm thêm sau 19 giờ và kéo dài đến tận 21 giờ chỉ làm bạn thêm mệt mỏi, đôi khi chúng ảnh hưởng đến cả giấc ngủ đêm của chính bạn. Thời gian thư giãn này sẽ tạm kết thúc vào lúc 21 giờ, để giờ đi ngủ chuẩn bị được thực hiện.
Giờ của Hệ miễn dịch: sau 21 giờ – 22 giờ
Đây là khung giờ mà Hệ miễn dịch sẽ tập trung để đào thải chất độc, và cần chúng ta ở trong một trạng thái yên tĩnh, thư giãn. Do vậy, vào khung giờ này điều hợp lý duy nhất mà bạn cần làm đó chính là CHUẨN BỊ ĐỂ ĐI NGỦ.
>>> Đọc thêm: Thải Độc Cho Cơ Thể Để Sống Khoẻ, Sống Thọ
Có lẽ khi mình nói chuẩn bị đi ngủ vào lúc 21 giờ thì nhiều người sẽ khá ngạc nhiên và cho rằng nó quá sớm, đặc biệt là những người trẻ. Nhưng thực tế khung giờ này chính là giờ chuẩn để chuẩn bị đi ngủ.
Hãy nhớ lại giờ thức dậy – cũng là giờ làm việc của phổi: vào lúc 3 giờ sáng. Do vậy nếu đi ngủ vào lúc 21 giờ thì bạn hoàn toàn có thể thức dậy được lúc 3 giờ sáng.
Và ngược lại nếu bạn có thể thức dậy vào lúc 3 giờ được thì đến 21 giờ bạn cũng sẽ cảm thấy rất buồn ngủ để chuẩn bị đi ngủ. Còn nếu chưa quen ngủ sớm thì bạn có thể làm những việc sau đây để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn:
- Nằm trên giường ngủ và nghe nhạc không lời
- Ngồi thiền trước khi ngủ tầm 15 phút, nếu không ngồi thiền được thì hãy nằm thiền
- Ngâm chân trong nước ấm cỡ 20 phút
- Lau mặt bằng khăn nóng trước khi ngủ
- Uống 1 ly nước ấm nhỏ để hỗ trợ thức ăn trong dạ dày được tiêu hoá nhanh hơn
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý và hạn chế làm những việc bên dưới từ sau 21 giờ để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm:
- Cãi vã, tranh luận gay gắt và căng thẳng
- Uống trà sữa, cà phê, chất kích thích,…
- Xem phim bạo lực/ có nội dung gây ám ảnh
- Lướt Mạng xã hội nhiều hơn 30 phút trước khi chính thức ngủ
- Mặc quần áo quá phong phanh, không đủ ấm cho cơ thể
- Không gian ngủ không được thoải mái (phòng ngủ quá ngột, quá nóng, quá bí, quá lạnh, quá bừa bộn,…)
- Suy nghĩ/ trăn trở về một vấn đề gì đó quá nhiều
Tất cả những điều ấy đều là chất độc đối với giấc ngủ, não của bạn không hề thích điều này!
Giờ của Gan và Mật: sau 22 giờ – trước 3 giờ
Đây là giờ làm việc của gan và mật, chúng sẽ cùng thực hiện chức năng thải độc và chỉ làm được khi bạn đã chìm vào giấc ngủ thật sâu. Cụ thể:
- Gan thực hiện thải độc vào lúc từ 22 – 1 giờ sáng
- Mật thực hiện thải độc vào lúc từ sau 1 giờ sáng đến trước 3 giờ sáng
Khung giờ này rất quan trọng, chúng ta có trẻ lâu, sống khoẻ được là nhờ ngủ ngon vào khoảng thời gian này. Và những tế bào mới cũng chỉ được sinh ra khi bạn thật sự đã đi ngủ từ 22 giờ đêm.
Thường những người bị bệnh lý về gan thì sẽ bị mất ngủ vào khoảng thời gian này, từ đó làm sức khoẻ suy kiệt, người rệu rã thiếu sức sống. Song song với đó, những ai vẫn còn thức đêm vào giờ này cũng sẽ có làn da sạm, nhăn và trông già trước tuổi.

Giờ của Tuỷ sống: 0 giờ – trước 4 giờ
Đây còn là khung giờ làm việc của Tuỷ sống, chúng sẽ tập trung tạo máu cho cơ thể trong điều kiện bạn đang say giấc.
Nếu bạn không thể thức dậy quá sớm vào lúc 3 giờ sáng – như mình đã nói ở trên thì có thể dậy muộn hơn tầm 1 tiếng nữa thì vẫn ok nhé, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng hoạt động của Tuỷ sống và Phổi.
Vào lúc 4 giờ sáng, Tuỷ sống vừa xong công việc của mình mà cũng là lúc Phổi cần hoạt động. Do vậy lựa chọn thức vào khung giờ này để bắt đầu một này mới cũng vô cùng phù hợp.
Lời Kết
Trên đây là lịch làm việc chính thức và rất chặt chẽ của cơ thể, của từng cơ quan nội tạng. Một khi đã hiểu thì chúng ta nên tôn trọng lịch sinh hoạt của chúng để phối hợp giúp chúng làm việc hiệu quả, cũng có nghĩa là bạn đang giúp chính bạn được khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng, có cơ hội sống thọ hơn.
Chỉ khi nào ta sống thuận tự nhiên, tạo điều kiện cho cơ thể được hoạt động đúng chức năng, đúng lịch trình, đúng giờ sinh học thì ta mới có một sức khoẻ dẻo dai và một cuộc đời vui vẻ.
Mong bạn sẽ có những thay đổi tích cực về thời gian sinh hoạt sau khi đọc bài viết này của mình nhé.