Bạn có biết để bạn có thể khoẻ mạnh, thoải mái hoạt động, tận hưởng cuộc sống và ăn nhiều món ngon là nhờ sự đóng góp to lớn của bộ phận này ở bên trong cơ thể – đó chính là LÁ GAN.
Gan đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ ổn định. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về gan để giúp gan luôn khoẻ mạnh, không làm nó bị tổn thương, cũng như hỗ trợ được lá gan trong việc giảm tải công việc mỗi ngày.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về lá gan của mình hơn, khi hiểu được rồi hẳn bạn sẽ vô cùng biết ơn vì những vai trò quan trọng mà Gan đang đảm nhiệm. Và rồi bạn sẽ biết mình cần nên làm gì để duy trì sức khoẻ cho lá gan cũng như sức khoẻ của chính bạn.
Trong bài viết này mình đều có nói đầy đủ về những gì tốt và không tốt đối với gan, đọc đến hết bài viết và thực hành ngay luôn bạn nhé.
Chức Năng Của Gan
Gan là nội tạng lớn nhất của cơ thể, chiếm khoảng 2% tổng số lượng của cơ thể.
Chắc bạn sẽ không tưởng tượng được rằng vai trò mà gan phải đảm nhiệm nó lên đến con số vài trăm, và thực ra cũng rất khó để thống kê chính xác đầy đủ tất cả các công việc mà gan đang thực hiện mỗi ngày.
Ở đây mình sẽ cho bạn thấy một vài chức năng tiêu biểu nhất của gan, mà chúng có đóng góp to lớn cho cơ thể, cho sự ổn định trong sức khoẻ của bạn.
Chức năng sản xuất
Tại gan, dịch mật sẽ được sản xuất ra và dự trữ tại các túi mật. Dịch mật sẽ đi xuống tá tràng để hoà trộn vào thức ăn, hỗ trợ ruột non tiêu hoá và hấp thu vitamin từ lượng đồ ăn ta đã ăn vào. Mỗi ngày gan có thể tiết ra từ 0.5 – 1 lít mật.
Cùng nhờ vào điều này mà mật còn giúp cho chúng ta tiêu hoá mỡ. Mỗi khi bạn ăn uống những loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, gan phải làm việc vất vả hơn để đào thải hết lượng mỡ đó.
➡ Đọc thêm: Thay Đổi Cách Ăn Uống Để Khoẻ Mạnh Và Sống Thọ Hơn
Ngoài sản xuất dịch mật, gan còn được biết đến là cơ quan quan trọng trong việc sản xuất ra các chất chống đông máu.
Gan sẽ tổng hợp các yếu tố giúp làm đông máu. Một số chất như là fibrinogen, prothombin, acceleractor globulin được sản xuất tại gan để tham gia vào quá trình làm đông máu. Nếu không có gan thì máu của bạn có thể chảy không ngừng qua những vết thương hở.
Chức năng chuyển hoá
Chuyển hoá Carbohydrate
Gan lưu trữ Carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hoá chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết và cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Chuyển hoá chất béo
Gan chuyển hoá chất béo và vận chuyển đến các mô mỡ để dự trữ. Dù hầu hết các tế bào đều có thể chuyển hoá chất béo nhưng nơi chuyển hoá chính của chất béo là ở gan.
Vai trò này bao gồm 3 công việc chính:
- Oxy hoá acid béo để cung cấp cho các hoạt động trong cơ thể
- Tổng hợp cholesterol, phosholipid và lipoprotein
- Tổng hợp chất béo từ protein và carbohydrate
Chuyển hoá protein
Qúa trình này gồm 2 giai đoạn là chuyển hoá acid amin và tổng hợp protein.
Có đến 50% lượng protein trong cơ thể được sản xuất tại gan.
Chức năng dự trữ
Gan được biết đến như là một trung tâm lưu trữ nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như là các loại Vitamin cùng với cả Sắt và Máu.
Gan dự trữ vitamin ở chất lượng tốt nhất hỗ trợ cho việc tự chữa lành cơ thể. Một số loại vitamin được dự trữ ở gan có thể kể đến như là Vitamin A, D và B12. Lượng vitamin này có thể đủ dùng cho cơ thể từ vài tháng đến hơn 1 năm, nếu gan đang hoạt động tốt.
Gan cũng là nơi dự trữ một lượng máu khá lớn, trung bình khoảng 600-700ml. Khi ta ăn uống, truyền dịch,…sẽ làm cho áp suất máu tại tĩnh mạch gan tăng, gan lại chứa thêm được khoảng 200-400ml máu. Ngược lại, khi cơ thể hoạt động nhiều thì gan sẽ đưa 1 lượng máu đi vào hệ tuần hoàn.
➡ Có thể bạn thích: Công Thức Nước Uống Gọi Máu Về Nhanh Dễ Làm Tại Nhà
Gan cùng với lách, tuỷ xương là nơi dự trữ sắt cho cơ thể.
Ngoài ra, gan còn dự trữ glucid dưới dạng glycogen, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và điều hoà lượng đường ổn định trong máu.
Chức năng thải độc
Gan giúp làm sạch máu. Máu di chuyển trong cơ thể theo một hệ tuần hoàn, đặc biệt khi đi ngang qua ruột sẽ mang theo rất nhiều vi khuẩn từ thức ăn đã bị thối rữa tại đây.
Tuy nhiên, khi vào gan thì máu sẽ được làm sạch do tế bào Kupffer tại gan giúp tiêu diệt những vi khuẩn có hại trong máu. Điều đáng mừng là chỉ có khoảng dưới 1% vi khuẩn đi qua gan và thoát khỏi sự “truy quét” của Kupffer để tiếp tục vào tuần hoàn hệ thống.
Nhờ vào chức năng quan trọng này mà gan đã hỗ trợ rất tốt cho hệ miễn dịch, góp phần mang lại sức khoẻ ổn định cho cơ thể.
Hoạt Động Tốt Cho Gan
Khi đã hiểu được những nhiệm vụ quan trọng của lá gan, cũng như sự đóng góp miệt mài để duy trì một sức khoẻ ổn định, mang đến năng lượng cho chúng ta làm việc mỗi ngày, mình không dám làm điều gì gây tổn hại đến lá gan nữa.
Nếu như trước đây, khi chưa hiểu được những công việc nặng nề mà gan phải đảm nhiệm thì mình còn sinh hoạt một cách thiếu khoa học, kém chỉnh chu. Nay thì mình đã biết cách rèn bản thân vào khuôn khổ, thực hành nhiều thói quen tốt cho sức khoẻ, hạn chế tối đa những hoạt động gây hại cho lá gan.
Và những cách để bảo vệ lá gan, tránh làm tổn hại đến gan cũng không quá khó để thực hiện, chúng chỉ là:
Tập thể dục đều đặn
Đây được xem như là một hoạt động “vua” vì nó không những tốt cho gan mà còn tốt cho toàn bộ cơ thể của bạn, mang lại một sức khoẻ vững bền cho mọi độ tuổi.
Khi tập thể dục, cơ thể sẽ sinh ra năng lượng, làm giảm mức độ căng thẳng cho lá gan. Và trong nhiều trường hợp đặc biệt như người đó đang có mắc bệnh về gan, thì việc tập luyện nhẹ nhàng, điều độ còn làm chậm đi các đợt tấn công của bệnh lên cơ thể.
Đặc biệt, việc tập thể dục còn giúp tăng tưới máu, tăng oxy để nuôi dưỡng các mô, chống lại quá trình oxy hoá tại gan nên sẽ giảm đi đáng kể được việc sản sinh ra các gốc tự do có hại cho gan.
Bạn có thể lựa chọn một môn thể thao phù hợp và yêu thích, luyện tập thường xuyên trong khoảng 15-30 phút mỗi ngày, sẽ vô cùng tốt cho lá gan nói riêng và sức khoẻ nói chung.
Ngủ đúng giờ
Bạn có biết, thời gian để thải độc cho cả gan và phổi là vào mấy giờ không? Đó là từ 23h đêm đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Vậy là gần như trọn vẹn vào đúng khung giờ ngủ buổi đêm của chúng ta.
Trong khung giờ này, phổi và gan tập trung vào công việc thải độc để ngày hôm sau đảm bảo được sự hoạt động tốt nhất cho cơ thể. Chúng chỉ có thể thải độc khi mà ta đang trong quá trình ngủ say. Vậy chất lượng thải độc của gan cũng phụ thuộc vào chất lượng ngủ của chúng ta, có say không, có êm giấc không, có bị thức dậy giữa chừng không?
Do vậy, hãy cố gắng sắp xếp để bạn có thể được ngủ ngon và trọn vẹn từ 23h đến 5h sáng. Những ai thường hay thức khuya, hoặc thức trắng vào khung giờ này để làm việc gì đó thì thật là vô cùng tội nghiệp cho lá gan của họ.
Ăn thô và ăn xanh
Ăn thô nghĩa là chúng ta ăn thực phẩm mà không cần qua nấu nướng, ăn ở dạng nguyên bản của chúng, như là ăn các loại rau sống, ăn trái cây, các loại củ, các loại hạt dinh dưỡng,…
Khi ăn thô, chúng ta được thưởng thức trọn vẹn hàm lượng vitamin có trong thực phẩm vì chúng không bị nấu lên cùng nhiệt độ, phần nào làm mất đi nhiều dinh dưỡng giá trị. Đồng thời, ăn thô cũng không làm ta phải ăn cùng với các loại gia vị, dầu mỡ, nước chấm,…mà đa phần đều có thể gây hại đến cơ thể.
Và như vậy, nếu đã ăn thô thì cũng gần như đồng nghĩa là bạn sẽ ăn thực vật (ăn chay). Điều này cũng rất tốt cho sức khoẻ, khi ăn xanh với rau củ quả như vậy thì bạn sẽ góp phần giúp đỡ cho lá gan của mình được giảm tải khối lượng công việc.
Những vi khuẩn có hại (nếu có) trong rau củ cũng sẽ không nhiều bằng ở trong thịt động vật, nên nó cũng làm cho cơ thể ít bị độc tố xâm nhập, và vì vậy mà gan cũng đỡ tốn sức làm công việc thanh lọc khi bạn lựa chọn ăn xanh và ăn thô.
Duy trì cân nặng chuẩn
Những người bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ mắc các bệnh về gan cao hơn những người có cân nặng vừa phải, do trong cơ thể của họ bị dư thừa mỡ và lượng mỡ này thường tích tụ lại trong gan là nhiều nhất, gây ra những sự suy yếu trong chức năng gan.
Việc duy trì một cân nặng hợp lý và chuẩn chỉnh sẽ giúp bạn kiễm soát, khống chế lượng mỡ thừa trong cơ thể, đem lại một vóc dáng thon gọn và góp phần bảo vệ gan khỏi những nguy cơ bệnh tật.
Để biết mình nên duy trì cân nặng bao nhiêu là phù hợp, bạn có thể tham khảo cách tính chỉ số BMI, căn cứ vào chỉ số BMI dành cho chiều cao mà bạn đang sở hữu rồi suy ra cân nặng chuẩn mà bạn cần duy trì.
Hạn chế việc làm hại Gan
Bên cạnh những hoạt động tốt cho gan nên được duy trì thường xuyên, chúng ta cũng cần phải biết đến những việc làm hại cho lá gan để tránh, hoặc hạn chế ở mức tối thiểu.
Và một việc cực kỳ gây tổn hại đến gan mà bạn nên ghi nhớ để đừng phạm phải, đã được mình ghi ngay bên dưới đây. Người nhà mình từng như thế và bị chẩn đoán Viêm gan B giai đoạn cuối, rủi thay đã không qua khỏi và gây tiếc nuối rất nhiều cho gia đình. Vì vậy, để không gây tổn hại đến gan thì chúng ta cần nhớ rằng:
Không nên uống nhiều rượu bia
Rượu và bia là hai loại thức uống có hại hàng đầu cho lá gan.
Bởi vì khi uống rượu bia, chất cồn trong đó được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua dạ dày và ruột. Chỉ có 10% lượng cồn được đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở và nước tiểu, còn 90% lượng còn lại sẽ đi thẳng qua gan và làm gan bị nhiễm độc nặng nề.
Nếu bạn cứ tiếp tục uống rượu bia thì gan sẽ ngày một suy yếu, mà khi gan đã yếu rồi thì sẽ không làm được các chức năng quan trọng ở trên như là giải độc, chuyển hoá, dự trữ, tổng hợp,…
Việc uống rượu bia nhiều, thường xuyên theo lộ trình đầu tiên là sẽ làm cho gan bị viêm, kế đến là ung thư và cuối cùng trong hoàn cảnh xấu nhất là người bệnh sẽ không vượt qua được, khi mà lá gan đã nhiễm độc toàn phần, không còn khả năng phục hồi được nữa.
Vì vậy, để giữ gìn sức khoẻ cho lá gan cũng như cho các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể thì bạn không nên làm nhiều những việc sau đây trong suốt cuộc đời mình:
- Uống nhiều rượu bia
- Làm việc căng thẳng quá mức
- Thức khuya
- Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ
- Ăn quá nhiều thịt động vật, đặc biệt là thịt đỏ (của con 4 chân)
Thức Ăn Giải Độc Gan
Bên cạnh những hoạt động tốt cho gan thì chúng ta có thể bổ sung những dưỡng chất có lợi cho gan vào cơ thể thông qua con đường ăn uống.
Thực tế, việc ăn uống vô cùng quan trọng vì nó quyết định phần lớn việc bạn có khoẻ mạnh hay bệnh tật. Bệnh là do chúng ta ăn những thức ăn không tốt, và để chữa bệnh thì cũng nhờ điều chỉnh lại cách ăn uống, lựa chọn ăn những thức ăn tốt, nhiều dinh dưỡng, có vai trò vừa là đồ ăn vừa là thuốc.
Và những loại thực phẩm sau đều tốt cho cơ thể nói chung nhưng lại đặc biệt rất có lợi cho gan, nếu như bạn đang muốn tăng cường sức khoẻ cho lá gan của mình thì không nên bỏ qua danh sách thực phẩm này.
Trà xanh
Đây là loại nước uống cực kỳ tốt, không chỉ cho gan mà còn cho cả cơ thể, nó còn có khả năng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh ung thư.
Trong trà xanh có rất nhiều chất chống oxy hoá và giúp cải thiện nồng độ men gan, giảm các chất béo đang tích tụ trong gan. Do vậy, nếu bạn đang cảm thấy gan của mình không được khoẻ lắm thì có thể lựa chọn uống thêm trà xanh mỗi ngày.
Bạn nên tìm mua nơi bán lá trà tươi, về đun với nước uống sẽ nguyên chất và giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng hơn là uống trà xanh ở các dạng đóng gói khác.
Yến mạch nguyên chất
Trong yến mạch có chứa nhiều chất xơ cùng hợp chất beta-glucans, giúp làm giảm lượng chất béo đang được lưu trữ tại gan, ngăn ngừa nguy cơ gan bị nhiễm mỡ đồng thời cung cấp chất xơ để cơ thể tiêu hoá dễ dàng hơn.
Có thể bạn chưa biết, gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh phổ biến nhất ở gan và cũng là một loại bệnh trẻ hoá, vì ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này do thói quen ăn uống không hợp lý, ăn nhiều thức ăn nhanh và dầu mỡ.
Bạn có thể xay yến mạch nguyên chất với trái cây, sữa chua để làm thành một món ăn sáng hoặc một bữa phụ trong ngày.
Tỏi
Tỏi rất tốt cho gan, đặc biệt là gan đang bị nhiễm mỡ, do tỏi giúp làm giảm bớt hàm lượng chất béo ở gan.
Ngoài ra, tỏi còn mang đến những công dụng vô cùng tốt khác cho sức khoẻ như là phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm huyết áp, điều hoà lượng đường trong máu, cải thiện chức năng xương khớp, ngăn ngừa một số bệnh ung thư,…
Bạn có thể dùng tỏi tươi trong mỗi bữa ăn, hoặc ngâm tỏi cùng với mật ong rồi ăn dần đều được.
Quả mọng nước
Những quả mọng nước như nho, bưởi, việt quất,… có chứa nhiều chất chống oxy hoá giúp bảo vệ gan một cách tự nhiên, trong đó bưởi là một loại quả có chứa nhiều chất chống oxy hoá nhất, tốt cho gan cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.
Những chất chống oxy hoá có thể làm giảm sự phát triển của chứng xơ gan, ngăn ngừa chất béo dư thừa tích tụ lại gan, đồng thời chúng cũng có thể chuyển hoá rượu và cải thiện tình trạng say rượu.
Dầu oliu
Khác với những loại dầu ăn tinh luyện, dầu ô liu lại rất tốt cho sức khoẻ bởi nó là loại chất béo lành mạnh, đặc biệt là đối với tim và gan.
Dầu ô liu giúp cải thiện độ nhạy insulin và nồng độ men gan trong máu. Cũng là chất béo nhưng dầu ô liu lại ít bị tích tụ ở gan, trong khi những loại dầu mỡ khác khi vào cơ thể sẽ làm tích tụ chất béo tại gan và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh về gan.
Uống nước ép
Có một số loại nước ép rất tốt cho gan, giúp gan thanh lọc, thải độc mà bạn cũng có thể uống để tăng cường sức khoẻ cho lá gan, như là nước ép dứa, nước ép cam cà rốt, nước ép cần tây,…Đó đều là các loại nước ép có chức năng thải độc cho lá gan.
Bạn có thể tìm hiểu thêm các loại nước ép tốt cho gan ở trong bài viết bên dưới:
➡ Top 10 Loại Nước Ép Giúp Gan Thải Độc Cực Tốt
Kết Luận
Khi đã đọc hết bài viết này rồi, mình hy vọng bạn sẽ có ý thức giữ gìn sức khoẻ cho lá gan của mình hơn, cũng như có những sự biết ơn, trân trọng cho từng bộ phận trên cơ thể mình. Có như vậy thì những hành động bảo vệ sức khoẻ, sinh hoạt điều độ mới được thực hiện một cách triệt để trong đời sống của bạn.
Những lời khuyên ở trên, nếu được bạn thực hiện tốt thì nó không chỉ giúp ích cho lá gan mà còn cho những cơ quan nội tạng khác như tim, thận, dạ dày, ruột,…Và một sức khoẻ dẻo dai, ổn định sẽ bắt nguồn từ những việc nhỏ và giản đơn như vậy.