THÔNG TIN SÁCH
Tựa đề: Hệ miễn dịch – Kiệt tác của sự sống
Tác giả sách: Cao Bảo Anh
Tác giả Review: Trần Ngân – Bookademy
Nguồn:
Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống kể về quá trình chiến đấu cam go, khốc liệt, những hi sinh thầm lặng của anh em nhà hệ miễn dịch với cơ thể con người. Nhiều người cho rằng, thân thể chỉ gồm những bộ phận vô tri, được nuôi bằng máu và sống cộng sinh với vi khuẩn? Vậy thì những người đó đã lầm to. Bên trong mỗi chúng ta là những chiến binh làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo cơ thể vận động bình thường và khỏe mạnh. Quyển sách này sẽ cho bạn thấy sự kỳ diệu của hệ miễn dịch và qua đó càng thêm trân quý khối cơ thể này hơn.
Hệ Miễn Dịch – Kiệt Tác Của Sự Sống được viết bởi tác giả Cao Bảo Anh, bút danh Cẩm Tú Trường. Cao Bảo Anh có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực miễn dịch học và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành miễn dịch học ở khoa Y, đại học Harvard. Với niềm đam mê tri thức và mong muốn được chia sẻ cho nhiều người những kiến thức về y khoa, Cao Bảo Anh đã biến những kiến thức tưởng chừng như khô khan và học thuật này thành một câu chuyện đầy hào hùng và mang tính sử thi, dễ tiếp cận với đại đa số các độc giả.
Ta không chỉ là thân xác của ta, hay chính xác hơn, cái thân xác này sinh ra để phục vụ cho sự tồn tại của ta! Chà, nghe thật là triết học, nhưng bạn có thể hiểu đơn giản là: Chúng ta có tâm hồn và lý trí, và thân xác thực sự là một tải thể chứa hai phần đó.
Như thế, chúng ta vừa chạm đến một điều sâu sắc hơn: Chúng ta đích thực là tâm hồn và lý trí, còn cái thân thể đang nhìn chằm chằm vào những dòng chữ của cuốn sách này là ngôi-nhà của chúng ta.
Như thế, một vấn đề đặt ra là: Nếu chúng ta không hiểu gì về ngôi-nhà thân xác đang bao chứa mình, chúng ta sẽ không hiểu được gì về chính ta.
Nói rõ hơn là thế này: Ta buộc phải hiểu những gì đang chi phối mình, sau cùng ta mới biết được mình đích thực là ai!
Trước khi đến với cuốn sách, bạn hãy mang theo tâm thế như xem một bộ phim hành động hoặc những bộ phim siêu anh hùng vì những nhân vật chính của chúng ta cũng tuyệt vời không kém thế đâu!
Về cơ bản, cuốn sách được chia thành bốn phần chính: phần mở đầu cho hành trình thấu hiểu bản thân, giới thiệu nhân vật, những cuộc hành trình không mệt mỏi và hệ miễn dịch với cuộc sống hiện đại.
Phần mở đầu
Tác giả mở đầu cuốn sách với những câu hỏi rất căn bản nhưng không phải ai cũng biết và chú ý đến nó. Bạn đã bao giờ tự hỏi “Mỗi lần hít vào thở ra, đi lại nói cười, tất cả những bộ phận trong cơ thể bạn đang cảm nhận như thế nào?” chưa? Bạn liệu có biết mỗi khi hít thở thì các tế bào, các cơ quan trong cơ thể vận hành như thế nào?
Bạn liệu có ý thức được rằng, để có thể ngồi đây đọc được những dòng chữ này, bạn đã phải vượt qua MỘT TRĂM TRIỆU sinh mệnh khác? Chỉ chừng đó câu hỏi, và bất kỳ một trong những câu hỏi nào mà bạn không trả lời được, cũng đủ để cho thấy rằng bạn còn chưa thực sự hiểu rõ cơ thể này, và còn xa lắm bạn mới chạm đến cái đích thấu hiểu bản thân.
Vậy là từ những điều đơn giản nhất, những điều mà dường như chúng ta không bao giờ để ý đến, tác giả đã gợi ra cả một quá trình công phu phức tạp của từng tế bào đang chăm chỉ và miệt mài làm việc để bảo vệ và vận hành cơ thể. Đây là một lời mở đầu hoàn hảo thu hút độc giả khám phá sâu hơn vào từng bộ phận của cơ thể nói chung và hệ miễn dịch nói riêng.
Phần giới thiệu nhân vật
Với việc coi từng tế bào của ngôi nhà miễn dịch như những người anh em cùng huyết thống, tác giả đã kể lại những câu chuyện đặc sắc về quá trình hoạt động của chúng một cách giản đơn, gần gũi nhất giúp người đọc dễ hiểu và hứng thú hơn.
Ở phần này, tác giả giới thiệu qua về chức năng, nhiệm vụ của từng loại tế bào miễn dịch trong đại gia đình miễn dịch. Đầu tiên là bạch cầu Trung Tính, những anh hùng cảm tử, có nhiệm vụ chiến đấu với những vi khuẩn ngoại lai, đồng thời báo hiệu cho các đồng đội khác về mối nguy đang trực chờ. Khi đến giới hạn, Trung Tính sẽ hy sinh thân mình, giải phóng DNA bắt giữ vi khuẩn.
Tiếp đến là Đại Thực Bào, anh đại ăn to nói lớn. Đại Thực Bào có mặt ở khắp các cơ quan trong cơ thể, ăn tất cả những thành phần “tỏ ra nguy hiểm” để bảo vệ sự toàn vẹn và trong sạch cho cơ thể. Tế bào Tua, liên lạc viên cần mẫn, có khả năng phân loại kẻ thù và trình báo cho anh em để huy động lực lượng. Một thành viên khác của gia đình miễn dịch là tế bào B, ninja thiện xạ. Sau khi trải qua quá trình đào tạo và huấn luyện kỹ lưỡng, B có một khả năng đặc biệt là nhận diện và tiêu diệt các phần tử ngoại lai bằng kháng thể. Một người anh em gần gũi với B chính là tế bào T, anh cả thông thái, có khả năng chỉ huy những người anh em khác trong việc tấn công mối hiểm họa của cơ thể.
Những cuộc hành trình không mệt mỏi
Sau màn giới thiệu ngắn là câu chuyện chi tiết về quá trình mà những nhân vật đặc biệt phải trải qua từ khi sinh ra đến khi kết thúc nhiệm vụ của mình trong cơ thể. Và từ đây, câu chuyện sử thi anh hùng bắt đầu.
Đầu tiên là lời tự sự của tế bào T được sinh ra ở tủy xương và bắt đầu công cuộc học hành của mình ở ngôi trường Tuyến Ức. Ở đây, T phải vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra để được đi vào dòng máu và bảo vệ cơ thể suốt nhiều năm. Sẽ chỉ có khoảng 2-4% các tế bào T vượt qua được thử thách và được cấp phép thực hiện nhiệm vụ.
Tế bào T CD4, hãy đi đi và nhớ rằng các em là những nhà thông thái. Hãy đem tất cả những hiểu biết và khả năng của mình, để hướng dẫn cho các anh em tế bào miễn dịch đối phó với tác nhân xâm nhiễm.
Tế bào T CD8, hãy đi đi, nhớ rằng các em là những tế bào có thể nhìn xuyên suốt các tế bào khác. Hãy dùng sự quyết đoán và khả năng thấu suốt của mình, giúp cơ thể chống lại những tác nhân xâm nhiễm lẩn trốn bên trong tế bào.
Tế bào T điều hòa, hãy đi đi, dùng sự ôn hòa của các em để nhắc nhở mọi người rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào, sự vẹn toàn của cơ thể luôn là điều quan trọng nhất.
Rồi từ đây, tế bào T và những anh em khác xây dựng một cộng đồng vững chắc để đối phó lại những nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài.
Bạn cho rằng một vết xước nhỏ trên cơ thể là không có gì đáng ngại? Vậy thì xin mời bạn cùng quan sát một cuộc chiến khốc liệt của các tế bào miễn dịch chống lại các vi khuẩn Tụ Cầu Vàng xâm nhập vào cơ thể từ vết xước. Tụ Cầu Vàng bình thường yên phận sống trên bề mặt da người chung với rất nhiều các loại vi khuẩn khác, nhưng chúng chỉ trực chờ có một lỗ hổng nhỏ trên da để lao vào hút chất dinh dưỡng trong cơ thể. Đại Thực Bào là người đầu tiên phát hiện ra những kẻ lạ xâm nhập. Anh đại lập tức chiến đấu với chúng đồng thời phát tín hiệu báo hiệu nguy cơ.
Thông tin vừa phát ra, mọi tế bào trong khu vực lân cận đều phản ứng.Nhanh nhất có lẽ là những mạch máu xung quanh. Những tế bào thành mạch bình thường vốn chắc chắn và chỉ cho chất dinh dưỡng cùng một số protein nhỏ đi qua, giờ đây thả lỏng ra. Mạch máu vừa giãn ra thì máu cũng đổ về nhiều hơn.
Điều này tạo thuận lợi cho bạch cầu trung tính đến chi viện. Sau khoảng 12 giờ đồng hồ, khi đã sức cùng lực kiệt, Trung Tính tự nổ tung giải phóng DNA bắt lũ vi khuẩn ngoại lai. Nhưng đây cũng chỉ mới cầm chân được lũ Tụ Cầu Vàng, phải có một liên lạc viên giữa vùng vết thương và trung tâm chỉ huy hệ miễn dịch để tiêu diệt tận gốc mối nguy cơ. Và thế là tế bào Tua thực hiện nhiệm vụ. Sau quãng hành trình di chuyển dài, tế bào Tua trình diện chứng cứ cho tế bào T để T ra lệnh cho “nhà bác học điên” B tiết ra kháng thể trung hòa độc tố của vi khuẩn. Sau những nỗ lực phi thường và cả những sự hi sinh anh dũng, hòa bình được lập lại.
Tất cả tế bào tiếp tục tất bật trong công cuộc phục hồi những tổn thương đã gánh chịu. Anh em nhà miễn dịch của chúng ta vẫn âm thầm theo dõi và bảo vệ cho tất cả mọi người.
Sau câu chuyện về vết xước, Cao Bảo Anh tiếp tục dẫn người đọc đến với một cuộc chiến khác còn cam go và khó khăn hơn nhiều lần, cuộc chiến với virus cảm cúm. Virus cảm cúm sinh sôi rất nhanh và liên tục tích lũy những đột biến khiến cho hệ miễn dịch luôn đi chậm một bước so với chúng. Thêm vào đó, virus xâm nhập vào nhân tế bào, lấy cắp bộ máy nhân bản DNA của tế bào để sinh sản.
Chính vì thế, tấn công chúng đồng nghĩa với việc tấn công chính bản thân tế bào trong cơ thể. Nhận được tín hiệu báo nguy từ tế bào, T CD8 tiết ra các protein và enzyme kích hoạt chương trình tự hủy của tế bào để tiêu diệt virus. Đồng thời, tế bào B cũng nhận được lệnh tiết ra kháng thể ngăn chặn virus. Đối với sự biến đổi khôn lường của virus, hệ miễn dịch đã phải làm việc vô cùng vất vả cũng như không ngừng nỗ lực,
Bạn thử tưởng tượng xem, mỗi năm có bao nhiêu người bị cúm. Mỗi người ấy lại có bao nhiêu bản sao của virus. Chỉ cần một trong số đó có các đột biến mới có lợi cho sự sinh sôi và phát tán của nó, chúng ta sẽ lại phải đối diện với một loại virus mới. Vì vậy, cứ khoảng vài năm hay thậm chí là hàng năm, bạn lại nghe về những loại virus cảm cúm mới, nào là H5N1, H1N1,… Mỗi đợt như thế, anh em trong hệ miễn dịch lại tiếp tục chiến đấu với bọn ký sinh này để bảo vệ cơ thể. Cuộc chiến ấy đã kéo dài rất lâu và sẽ còn tiếp diễn.
Gần đây, với sự bùng nổ của dịch virus SARS COV 2, mọi người thường hay gửi những lời cảm ơn tới những y bác sỹ, những người đã và đang làm việc không ngừng nghỉ để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Nhưng sau khi đọc xong những dòng này, tôi chợt nhận ra rằng mình đã quên mất những chiến binh thậm chí còn vất vả hơn, không bao giờ bỏ cuộc hay ngừng nỗ lực. Vì vậy, hãy thầm cảm ơn những dũng sĩ trong hệ miễn dịch thầm lặng đang từng giờ, từng phút, thậm chí là từng giây chiến đấu để bảo vệ sức khỏe của bạn nhé.
Nhiều người không nghĩ rằng họ đang tự làm tổn thương chính cơ thể mình khi có những thói quen xấu cố hữu không chịu thay đổi. Họ đâu biết rằng sau những giây phút khoái lạc thoải mái ấy là những cái chết đang ngấm ngầm xảy ra. Những tác động xấu từ bên ngoài, như khói thuốc chẳng hạn, tạo ra những đột biến trong cơ thể. Và lúc này hệ miễn dịch phải làm việc hết công suất để sửa chữa những lỗi sai.
Rồi đến một ngày, ở đâu đó trong hàng trăm nghìn tỉ tế bào, một tế bào xuất hiện đột biến làm chương trình tự hủy bị vô hiệu hóa, và lỗi sai này không bị phát hiện. Vậy là quá trình biến chất của tế bào bắt đầu từ đây. Tế bào này liên tục phân chia và tạo ra một lũ quái tế bào, đây chính là mầm mống ban đầu của tế bào ung thư.
Người đầu tiên cảm nhận được những bất thường của cơ thể chính là tế bào Tua. Tuy nhiên, tế bào Tua lại không thể phân biệt được các tế bào ung thư và tế bào thường, vậy là chú ta đành báo cáo lại với tế bào T. Thật may mắn là một tế bào T CD8 đã nhận ra được điểm đột biến và tiêu diệt các tế bào ung thư. Quá trình này có thể kéo dài đến vài năm. Thế nhưng, hỡi ôi, những tế bào ung thư luôn là những kẻ quỷ kế đa đoan, chúng tạo ra những biến thể mới để qua mặt T CD8. Hệ miễn dịch cũng chẳng chịu thua kém, luôn có những kế hoạch dự phòng, và tế bào Giết Tự Nhiên được kích hoạt. Cuộc chiến giằng co cân sức giữa hai bên thiện và ác cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm liền.
Đứng trước cái chết, đứng trước viễn cảnh sự sống cuối cùng rời bỏ thân xác mình, phần lớn mọi người hoảng sợ, bất lực, hối hận. Thế nhưng, mấy ai biết, rằng sự sống đã bị phung phí suốt thời gian dài và cái chết đã len lỏi vào cơ thể nhiều năm trước. Tất cả đều bắt đầu từ giây phút chủ nhân của thân thể này lựa chọn việc hút thuốc như cách thể hiện bản lĩnh và tiêu sầu.
Có thấy không, sống hay chết, cuối cùng vẫn là một lựa chọn.
Bạn tôi này, bạn đã, đang và sẽ, lựa chọn điều gì thế?
Hệ miễn dịch và đời sống hiện đại
Bạn có hay biết rằng, sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội hiện đại cũng đã góp phần vào làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta? Ở phần này, tác giả đề cập đến một số bệnh tự miễn dịch và các câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến hệ miễn dịch. Bạn sẽ nhận được rất nhiều bài học và cũng sẽ có thể phải sửa đổi vài thói quen về những hành động hàng tưởng chừng là tốt cho sức khỏe của mình.
Nhắc đến những điều này không phải để nói rằng bạn đừng bao giờ dùng thuốc kháng sinh nữa, mà hãy cẩn trọng hơn. Thêm vào đó, hãy trân trọng tất cả những “sinh mệnh” đang cùng sinh sống với bạn, phục vụ bạn. Hãy ý thức cả về những “sinh mệnh” mang tên vi khuẩn. Hiểu và phân định rõ vai trò của chúng cũng là cách để giúp trí óc bạn có cái nhìn chính xác và sáng suốt hơn về chính bản thân mình.
Lời kết
Vậy là cuộc hành trình khám phá và đồng hành cùng các anh em nhà miễn dịch đã kết thúc tại đây. Bạn đừng lo lắng rằng mình không có kiến thức chuyên môn, vì những câu chuyện trong cuốn sách thực sự sinh động, dễ hiểu, gần gũi và nó như cuốn người đọc theo dõi đến tận giây phút cuối cùng vậy. Những nhân vật được khắc họa bằng những hình ảnh cụ thể rất đáng yêu và cũng mô tả được các tính chất của từng tế bào thông qua ngoại hình của chúng. Khi đọc sách, người đọc đóng vai trò như một người quan sát, theo dõi động thái của cả hai bên – tác nhân gây hại và hệ miễn dịch. Sau khi trải qua một hành trình dài, bạn sẽ càng thêm yêu quý và trân trọng cơ thể này, bởi vì sự tồn tại của nó là một phép màu, một kiệt tác của sự sống.
Tác giả: Trần Ngân – Bookademy
Nguồn:
https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-he-mien-dich-kiet-tac-cua-su-song-nhung-chien-binh-tham-lang-5e736e4e3cb210599f40229b