Xông Hơi Tại Nhà Giúp Trị Cảm Hiệu Quả Và An Toàn

Mình là cái đứa hễ bị cảm là sẽ áp dụng ngay cách giải cảm duy nhất, đó là nấu lá xông để xông người. Phương pháp này mang đến 90% sự hiệu quả để mình vượt qua bệnh cảm mà không cần phụ thuộc vào thuốc, hai lần bị nhiễm Covid-19 của mình vào năm 2022 đã chứng minh điều đó.

Bạn có thường dễ bị cảm sau mỗi lần đi mưa về không? Bạn có hay bị sổ mũi, hắt hơi nhiều sau mỗi lần ngồi máy lạnh quá lâu hoặc ngủ qua đêm dưới máy lạnh?

Nếu bạn là người có những biểu hiện trên thì rất nên đọc hết bài viết này của mình. Phương pháp xông người sẽ giúp bạn vượt qua bệnh một cách hiệu quả mà không cần đến những viên thuốc tây trị cảm nữa.

Vì Sao Chúng Ta Dễ Cảm Vào Mùa Mưa?

Mùa mưa, đặc biệt là đầu mùa từ những tháng 05, tháng 06 khiến cho thời tiết có sự thay đổi mạnh và đột ngột. Khí hậu đang nóng bức oi ả thì bị chuyển sang ẩm ướt và có khi trở nên lạnh lẽo do những cơn mưa đầu mùa mang lại.

Trước tiết trời thay đổi nhanh như vậy, những ai có thể trạng sức khoẻ không tốt, ít luyện tập và sức đề kháng thấp sẽ rất dễ bị ảnh hưởng và gây ra các chứng cảm, cúm, viêm mũi, …Những loài vi khuẩn mới được dịp sinh trưởng mạnh trong mùa mưa, sẽ rất dễ thâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng nhiều cách khác nhau.

Mùa mưa là mùa vi khuẩn sinh sản mạnh khiến chúng ta rất dễ bị cảm

Hơn nữa, do mùa mưa cũng là mùa mà cái nóng đang lên đến đỉnh điểm trong năm. Tâm lý chung của chúng ta là thích ngồi và ngủ dưới máy lạnh. Các công ty giờ đây luôn trang bị máy lạnh 24/24 cho nhân viên, và đặc biệt sẽ mở nhiệt độ khá thấp trong giai đoạn trời đang nóng bức trên 37 độ C.

Hoạt động trong môi trường nhiều máy lạnh như vậy thì khả năng cao là sẽ bị hàn khí thâm nhập vào cơ thể, qua đường mũi, miệng, tai. Những ai có sức đề kháng kém thì cơ thể không thể nào chống chọi lại với những cái lạnh đến từ bên ngoài, và việc dẫn đến sự cảm lạnh là điều dễ dàng xảy ra.

Rồi tình trạng đi mưa từ bên ngoài, vào nhà hoặc văn phòng nhưng chưa làm khô người đúng cách là đã ngồi máy lạnh, thì sẽ chắc chắn sẽ bị hàn khí xâm nhập dễ dàng hơn nữa. Cũng như tình trạng một số hộ gia đình hay có thói quen bật điều hoà cả đêm cho dễ ngủ

Do hàn khí xâm nhập vào cơ thể thông qua máy điều hoà, qua việc mắc mưa, qua những loài vi khuẩn tấn công vào cơ thể. Những ai trước giờ chưa từng có những biện pháp bảo vệ sức khoẻ, tập luyện tăng sức đề kháng thì sẽ rất dễ bị cảm cúm.

Nguyên nhân của bệnh cảm.

Để đẩy lùi những cơn cảm vặt như thế, đừng vội vàng mua thuốc tây nạp vào ngay cho cơ thể, mà hãy nghĩ đế bài thuốc dân gian của ông bà ta từ đời xưa: xông hơi tại nhà trị cảm.

Đây là phương pháp được đánh giá là vô cùng dễ làm mà lại rất hiệu quả cho việc trị bệnh cảm lạnh.

Xông Hơi Là Gì?

Đây là một phương pháp dân gian của ông bà ta ngày xưa giúp trị các bệnh cảm vặt. Bằng việc làm cho cơ thể tăng thân nhiệt, ra mồ hôi, các hàn khí trong cơ thể được đào thải ra ngoài bằng con đường đó, làm cho ta cảm thấy giải cảm hoặc hạ sốt.

xông hơi tại nhà 2
Có thể dễ dàng mua ngay một nắm lá xông tại chợ. Ảnh: Sức khoẻ gia đình.

Việc xông hơi không những giúp trị bệnh cảm thông thường mà còn làm đả thông khí huyết, kích thích việc giãn nở các mạch máu dưới da.

Do vậy mà ta thường thấy có những trung tâm mở riêng dịch vụ xông hơi với những trang thiết bị hiện đại. Người có tiền cũng xây hẳn một phòng xông hơi cho mình tại nhà.

Vì xông hơi là phương pháp dưỡng sinh rất tốt cho sức khoẻ, thỉnh thoảng nên thực hiện 01 lần chứ không phải để bị cảm rồi mới làm.

Những biện pháp gì mà thuộc về tự nhiên, thì sẽ luôn là an toàn nhất. Những loại lá để xông cũng chính là những thứ lá mà ta có thể tìm thấy trong khu vườn của mình: sả, lá bưởi, ngải cứu, bạc hà, tía tô, húng lủi,…

Bằng việc nấu một nồi nước lá xông thơm lừng là ta đã thực hiện được ngay liệu trình xông hơi tại nhà ít tốn kém, không cần phải ra spa cho phí tiền và cũng chẳng cần trang bị phòng xông hơi tại nhà làm gì cho phức tạp.

Sau đây là quy trình để bạn xông hơi bằng lá tại nhà trị cảm.

Các Bước Xông Hơi Trị Cảm Tại Nhà

Bước 1: Chuẩn bị lá xông

Lá để xông thường là những loại lá có tinh dầu mang lại tác dụng khử trùng, kháng sinh. Dễ nhất là bạn chạy ra chợ nhờ người bán chọn cho mình một nắm lá xông. Phần nguyên liệu để nấu nước xông này mình sẽ nói rõ thêm ở phần bên dưới: NGUYÊN LIỆU ĐỂ NẤU NƯỚC XÔNG

Bước 2: Đun sôi một nồi nước nóng khoảng 02 – 03 lít

Lượng nước phải vừa để ngập mặt phần lá xông. Nước nên là nước sôi, không pha thêm nước lạnh để độ nóng đủ sức làm lan toả tinh dầu có trong lá xông.

Xông hơi tại nhà 1
Xông hơi tại nhà – Bạn có thể làm tương tự cho việc xông mặt để da mịn màng. Ảnh: An Spa

Bước 3: Chuẩn bị phòng xông

Nơi để bạn xông hơi là một căn phòng kín, đóng hết cửa. Có thể là phòng ngủ riêng hoặc nhà vệ sinh đều được, miễn là nó kín, không bị gió lùa vào.

Bước 4: Xông hơi

Khi xông, tốt nhất là bạn nên cởi hết quần áo ra (nếu xông tại nhà). Vì chúng ta đang cần những dưỡng khí ấm, nóng, có chất kháng khuẩn đi vào cơ thể để đẩy hàn khí ra ngoài.

Và việc cởi hết đồ ra sẽ giúp cho nhiều khí tốt từ nồi lá xông dễ dàng len lỏi vào từng lỗ chân lông của cơ thể.

Cách thức dân gian của ông bà ta là ngồi trước nồi lá xông và trùm vào một cái mền thật to và kín. Nghe có vẻ buồn cười nhưng thật ra là khá hiệu quả, vì nó giúp hơi nóng của nồi lá không bị lọt ra ngoài, và chỉ toả hết vào cơ thể của chúng ta thôi.

Nếu bạn tự xông tại nhà thì tốt nhất hãy nên làm theo như vậy, để mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu không trùm mềm thì hơi nóng sẽ lan toả ra cả căn phòng, từ đó làm cho khí vào người của chúng ta bị ít đi.

Bước 5: Thời gian xông

Hãy xông cho đến khi thấy mồ hôi trên người ta ra thật nhiều, và hơi nóng từ nồi lá cũng giảm bớt. Thời gian này là cỡ 15 phút.

Xông xong rồi bạn cũng đừng vội đổ nồi lá xông ấy đi nhé. Hãy vớt hết lá ra, giữ lại nước và pha thêm nước nóng để tận dụng làm nước ngâm chân.

Khi bị hàn khí xâm nhập thì hãy hiểu đơn giản là ta cần làm đủ mọi cách để đưa khí ấm vào lại cơ thể. Xông hơi là một cách và ngâm chân cũng là một cách tương tự.

Trên lòng bàn chân chúng ta có rất nhiều huyệt đạo, phản ánh cho hầu hết các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Khi ngâm chân trong nước nóng, mà lại là nước có nhiều thảo dược như nước dùng lại từ lá xông, sẽ giúp cho nội tạng được làm ấm, được xoa bóp giúp cơ thể lấy lại được sự cân bằng.

>>> Cùng chủ đề: Ngân Chân Nước Ấm Cải Thiện Sức Khỏe Và Tinh Thần

Bước 6: Sau khi xông

Sau khi nồi lá xông đã hết hơi nóng, bạn có thể ngừng việc xông hơi lại.

Điều cần làm ngay khi vừa xông là uống 01 ly nước lọc (tốt nhất là nước ấm) để bù lại lượng nước đã mất trong quá trình xông. Tuyệt đối không được uống nước đá lạnh hoặc nước có gas.

Dùng khăn khô lau khô người và nằm nghỉ, không nên đi tắm ngay sau khi xông.

Nguyên Liệu Để Nấu Nước Xông

Lá xông tươi

Cách dễ nhất là bạn chỉ cần chạy ra một ngôi chợ gần nhà và mua về một bó lá xông đã được người bán chuẩn bị sẵn, có giá từ 15,000 – 20,000.

Đó là nguyên liệu xông dạng tươi, cũng được xem là loại nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ và tốt nhất để xông người. Nhưng nhược điểm của nó là không thể trữ lâu được. Sau khi mua về bạn phải dùng ngay, để lâu lá xông sẽ bị héo úa hết.

Với nhiều người, điều này cũng sẽ gây bất tiện vì đôi lúc chúng ta cũng cần xông người gấp khi đang có triệu chứng cảm lạnh xâm chiếm cơ thể, đặc biệt là khi lúc đó đang ở trong nhà lúc trời đã tối, không thể chạy ra chợ để mua ngay được.

Lá xông khô

Hiểu được nhu cầu này, các nhà sản xuất đã sáng tạo ra Lá Xông Dạng Khô Đóng Gói để ta mua dự trữ sẵn và có thể dùng bất cứ lúc nào mà không sợ lá bị héo úa. Nếu bạn là người hay lo xa thì có thể mua dạng lá đóng gói này về trữ, phòng khi bị cảm lạnh thì có cái để xông người ngay.

Lá xông khô đóng gói là một sản phẩm rất tiện dụng vì có thể trữ lâu

Bạn có thể mua Lá Xông Dạng Khô Đóng Gói này trên cái trang TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada,…

Nguyên liệu xông tự chế

Nếu không có lá xông tươi, lá xông khô để xông người lúc đang bị cảm lạnh, bạn có thể tự chế ra nguyên liệu xông bằng các loại thảo mộc đơn giản có sẵn trong gian bếp. Đây cũng chính là cách mình hay sử dụng nhất để vượt qua bệnh mỗi lần bị cảm.

Nguyên liệu cho một nồi xông cơ bản gồm có:

  • Vỏ bưởi (có thể thêm vào hoặc thay thế bằng vỏ cam, vỏ chanh)
  • Một củ gừng tươi đập dập
  • Một ít muối hột
  • Vài giọt tinh dầu khuynh diệp
  • Vài cây sả tươi đập dập
  • Một ít lá tía tô, húng quế, húng chanh, bạc hà,…

Sau đó bạn cho các nguyên liệu này vào nồi, đổ nước, nấu nóng lên và xông. Cho dù những nguyên liệu này cũng khá đơn sơ, nhưng hiệu quả nó mang lại lên đến 70 – 90 % khả năng hết bệnh.

>>> Đọc thêm: Giảm Đau Tự Nhiên Không Dùng Thuốc Nhờ Thảo Mộc

Những Ai Nên Và Không Nên Xông Hơi?

Khi nào bạn nên xông hơi? Là khi bạn bị nhiễm một số loại virus thông thường và có thể tự mình điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian hoặc bằng thuốc Tây.

Đó là khi bạn thấy trong người mệt mỏi, uể oải, đau nhức người không rõ lý do, đặc biệt là thấy cảm giác ớn lạnh nó đang lan toả khắp cả cơ thể. Tuy nhiên, không cần đợi đến lúc cảm mới xông, khi bạn đang khoẻ mạnh bình thường thì vẫn có thể lâu lâu xông một lần để ra mồ hôi, giải độc cơ thể.

Việc xông hơi mang lại nhiều lợi ích cho súc khoẻ, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp không được xông hơi. Đó là những đối tượng:

  • Người đang sốt cao 38 – 40 độ
  • Người sợ nóng
  • Người già yếu, trẻ nhỏ
  • Phụ nữ đang mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Người đang bị tiêu chảy
  • Người bị tim mạch, tăng huyết áp
  • Người bị cảm đã 03 ngày không khỏi (vì bị cảm lâu mà chưa khỏi thì nên đến phòng khám để hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xông)

Những Lưu Ý Khi Xông Hơi Tại Nhà

Không nên xông hơi nhiều lần

Khi bạn bị cảm lạnh thì chỉ cần xông một lần mỗi ngày, liên tục nhiều nhất là 3 ngày để thải khí độc trong cơ thể ra là được. Không nên xông nhiều lần, liên tục dễ làm cơ thể mất nước.

Không đi tắm ngay sau khi xông

Khi vừa xông xong, các lỗ chân lông trên cơ thể đang mở. Bạn đi tắm ngay sẽ làm cho nước đi vào cơ thể gây nguy hiểm, nhiều trường hợp làm đột tử.

Nên lau khô người rồi nằm nghỉ ít nhất trong vòng 30 phút, để nhiệt độ cơ thể ổn định rồi mới đi tắm.

Nếu có tắm cũng chỉ nên tắm với nước ấm, vì cơ thể đang bị nhiễm lạnh nên không thể tiếp xúc nhiều với nước lạnh được.

Lời Kết

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu được cách thức xông hơi tại nhà, giúp trị được những cơn cảm vặt vào mùa mưa.

Nếu có thời gian, hãy siêng xông hơi 01 tuần/lần, để đào thải khí độc ra khỏi cơ thể, đả thông khí huyết, giúp các mạch máu được lưu thông dễ dàng.

Nếu bạn lười xông tại nhà, có thể ra các trung tâm Spa, nơi có những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc xông hơi vô cùng chuyên nghiệp.

Việc giữ gìn sức khoẻ nên được duy trì mỗi ngày, chứ không phải để cảm cúm xảy ra rồi mới làm. Chúc bạn có những trải nghiệm tốt khi xông hơi tại nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *