Hẳn là bạn đã từng nghe khái niệm này ở đâu đó. Thiền là gì? Thiền có phải là một pháp môn mang đầy tính huyền bí? Rất nhiều câu hỏi, rất nhiều thắc mắc và những nghi hoặc, lầm tưởng với những ai bắt đầu tìm đến với thiền, thậm chí ngay cả với người đã thực tập thiền.
Hiểu theo cách đơn giản, thiền là trạng thái bình yên, lắng đọng của tâm, như một hồ nước mà người ta có thể nhìn thấu đến tận đáy. Từ khi tâm tĩnh lặng, không xao động, là lúc các ý tưởng mới được dịp nảy sinh, những hành động, mỗi quyết định được sáng suốt và có nhiều trí tuệ giúp làm nên những thành công ở mỗi con người.
Vậy làm sao để ta đạt được trạng thái này, có khó lắm không, khi mà ta đang phải dính mắc với quá nhiều việc để làm trong một ngày, không khi nào mà tâm trí ta không dừng lại các suy nghĩ được.
Đừng quá lo lắng, đầu tiên bạn hãy tìm hiểu những cách thiền cơ bản trước, chúng sẽ đơn giản hơn cả bạn tưởng.
Thiền là gì?
Thiền đơn giản là sống tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Mỗi hành động, sự việc, mỗi cảm giác, tâm trạng đang diễn ra trong từng phút giây, sẽ được tâm thức của bạn ghi nhận lại rõ ràng. Có quá khó không?
Hãy nhớ lại, đã có khi nào bạn đang làm một công việc này, nhưng đầu óc lại nghĩ đến chuyện khác. Bạn đang lái xe, nhưng lại lo lắng cho công việc còn dang dở ở công ty, bạn đang giặt giũ, nhưng lại lo nghĩ đến sáng mai sẽ nên cho lũ trẻ ăn món gì. Bạn đang ăn cơm với gia đình, nhưng lại âm thầm nhớ người yêu không biết đang làm gì lúc này, … Có quá nhiều những suy nghĩ miên man trong đầu, dường như chúng ta không bao giờ cắt đứt được.
Thiền nói theo một cách cụ thể hơn cũng giống như việc bạn rèn thói quen tập trung tinh thần, cũng chính là cách bạn tạo luyện dũng khí cho nhân cách của mình.
Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng khi nào tinh thần ta bị tản mác, bị bận quá nhiều công việc thì sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Bạn có thể tưởng tượng nó như một đứa con nít đang thở hổn hển, như muốn tắt hơi mà vẫn bị nhiều đứa trẻ khác nghịch ngợm bứt tóc, đá, xô, kéo áo, …
Lúc tinh thần ta xao xuyến, bạn cũng có thể sánh nó như một ngọn đèn cháy sáng loà và đang bị gió thổi tạt về cả bốn phía mà không có gì để che. Nó không nhắm vào một ý tưởng nào đó nhất định. Nó bay phiêu diêu trên mọi ý tưởng. Ý tưởng nào đối với nó cũng hệ trọng nhưng rồi nó không bám chặt được quá lâu.
Mà tinh thần ta về bản chất thì chỉ có năng khiếu bám vào một ý tưởng thôi. Nếu nó bị lôi cuốn bởi quá nhiều ý tưởng thì nó bị tản mác, kiệt quệ. Nếu sự mệt mỏi này kéo dài thì chúng ta bị mắc phải chứng thần kinh suy nhược. Người mắc chứng bệnh này không thể anh dũng đã đành, mà kẻ để tinh thần mình tản mác cũng khó bề có dũng khí dồi dào.
Người không có thiền, không tập trung tinh thần thì không thể có những tư tưởng sâu sắc, không thể phán đoán, lý luận đúng, nhận ra những điều lợi điều hại trên đường đời. Do sự tản mác tâm thần nên họ không nhắm vào một lý tưởng nhất định để chiếm đoạt, mà nhắm vào nhiều ý tưởng và hầu như luôn nhắm trật.
Khi bắt tay vào làm việc, những người này thường nghĩ đến việc nọ việc kia. Họ lo việc khác không biết có thành công chăng? Rốt cuộc, không công việc nào được họ làm cho có nghệ thuật và chu đáo hết. Theo thời gian, họ thấy sao mình thất bại luôn, thấy sao mọi việc mình làm đều không có giá trị khả quan. Họ đâm ra chán nản về đời sống. Cuộc đời họ hư hỏng, họ bị thiên hạ chê cười. Vậy nên để có nghị lực mạnh mẽ và thành công hơn trong mọi việc, bạn nên cố gắng tạo cho mình thói quen thiền ở mọi lúc mọi nơi.
Thiền giúp gia tăng sự tập trung tinh thần, làm cho trí tuệ ta biết được điều mình thực sự muốn, và sẽ cố gắng làm điều ấy đến nơi đến chốn.
Để nhận ra sự phóng tâm, sự đánh mất tập trung vào giây phút hiện tại, cần bạn để cho chính mình được quay vào bên trong đối diện với bản thân nhiều hơn là để cho tai, mắt, mũi … chú ý đến những thứ ồn ào đang xảy ra bên ngoài.
Những phút giây bạn tự nhận ra được trong đầu mình hiện giờ có đến 2, 3 dòng suy nghĩ, mình đang bị những tư tưởng dẫn dắt là bạn đã thành công một nửa rồi. Vì chỉ khi nào nhận biết mình đang sai lầm bạn mới có thể sửa sai được.
Khi đang biết mình bị những suy nghĩ, những lời nói trong đầu chi phối, lúc ấy hãy nhờ đến vị cứu tinh là “hơi thở”. Tập trung ngay vào hơi thở và đếm thầm: “hít vào, thở ra” theo từng nhịp của hơi thở, khi ấy, những vọng tưởng sẽ được xua tan tạm thời. Thành công là khi bạn cảm nhận được hơi thở ra vào tự nhiên một cách dễ chịu, và bạn muốn duy trì trạng thái này càng lâu càng tốt.
Nếu thấy mình đang lắng nghe hơi thở một cách gượng ép, khó nhọc và trong đầu vẫn còn những suy nghĩ khó chịu về hành động này, thì có nghĩa là bạn chưa vào trong thiền được. Khi bị như vậy cũng đừng quá nôn nóng, đừng bực bội mà hãy kiên trì tiếp tục ngồi tĩnh lặng và cảm nhận hơi thở.
Quan trọng là trong lúc ấy bạn phát hiện được mình đang đuổi theo các suy nghĩ phát sinh trong đầu, thì mới quay lại với hơi thở được. Còn lỡ như bạn để cho tâm mình xao lãng và bay phiêu diêu theo các ý nghĩ ấy một cách vô ý thức, thì sẽ khó quay lại với thực tại và được tiếp cận với thiền.
Những điều này tưởng như đơn giản nhưng nếu ai chưa quen sẽ khó thực hiện được trong những lần đầu. Và kỹ năng tách mình ra các dòng suy tưởng để cảm nhận được hơi thở, sống cùng giây phút hiện tại chính là những mấu chốt quan trọng để thành công trong việc hành thiền. Khi bạn thấy rằng mình đã tạm thời xua tan được những suy nghĩ miên man, hãy tập trung ngay trở lại vào công việc mình đang làm, những hành động với tâm trí tĩnh táo sáng suốt lúc ấy sẽ mang về cho bạn những kết quả tốt nhất.
Và hãy cứ lặp lại quy trình này trong suốt quá trình làm việc. Mỗi khi cảm thấy mình bị phóng tâm, hãy dừng lại thư giãn, ngồi tĩnh lặng, thở sâu và cảm nhận giây phút hiện tại.
Hai kỹ năng quan trọng của Thiền
Nhận biết rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại
Tôi sẽ lấy một ví dụ cho bạn từ hành động nhỏ là ăn cơm. Nếu có thiền ngay tại bàn ăn cơm, bạn sẽ được tận hưởng một bữa ăn trọn vẹn và thưởng thức đầy đủ sự ngon của thức ăn. Cũng theo quy trình ở trên, đầu tiên hãy mạnh dạn xua tan những ý nghĩ phá đám đang xuất hiện trong đầu bằng cách theo dõi hơi thở.
Sau đó bạn tập trung hoàn toàn tư tưởng cho mọi thứ đang diễn ra trên bàn. Bạn cầm dao nĩa lên và nhận thức rõ mình đang chạm vào chúng, bạn dùng chúng để thái đồ ăn ra và cảm nhận rõ từng hành động một. Rồi bạn từ từ cho thức ăn vào miệng, cảm nhận được thức ăn đang tan chảy, bạn nhai kỹ, chậm và nuốt vào khi đã thấy đến lúc. Tiến trình này được lặp đi lặp lại cho những hành động kế tiếp diễn ra, hành động nào cũng được bạn đặt trọn vẹn tâm trí vào khi làm.
Nhớ lại những lần ăn cơm trước đây, bạn thường thả cho tâm mình tự do bay đến bất cứ nơi nào, mang cả những phiền não, lo lắng trong công việc vào bữa ăn, trong khi tiến trình ăn cơm vẫn đang diễn ra một cách máy móc, mà đôi khi bạn đã ăn xong từ lúc nào cũng không biết, thậm chí là bạn còn không nhớ rõ thức ăn vừa rồi có mùi vị như thế nào, ngon hay là dở.
Những điều đó tuy chẳng ai để ý nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến rất nhiều mặt. Chất lượng bữa ăn bị suy giảm đáng kể, đôi khi còn khiến những người nấu như mẹ, vợ buồn lòng vì đã bỏ công ra làm mà bạn đã ăn với những sự thờ ơ, mất tập trung như vậy.
Sức khoẻ phần nào cũng ảnh hưởng theo vì khi ăn mà còn phải bận suy nghĩ, vừa ăn vừa làm việc khác khiến cho thức ăn không được nhai kỹ trước khi chuyển đến dạ dày, làm cho dạ dày và ruột phải làm việc quá tải. Nếu có thiền trong khi ăn, bạn còn cảm nhận được những hạnh phúc đơn giản mà từ lâu bạn không chú ý đến.
Hạnh phúc khi ta còn được ăn những bữa ăn với các món ngon và hợp khẩu vị. Hạnh phúc vì còn có những người thân nấu cho ta ăn. Hạnh phúc vì ta không phải bị đói khổ như bao con người đang bị thiếu ăn khắp trên trái đất này.
Có thiền, những suy nghĩ tốt đẹp, những năng lượng tích cực được sản sinh ra trong tâm thức. Chúng giúp bạn xua tan được những căng thẳng và cảm thấy mọi việc xung quanh trở nên nhẹ nhàng dễ chịu hơn.
Đến đây, có người sẽ đặt câu hỏi là: cứ phải xua tan những lo âu, suy nghĩ vọng tưởng bằng hơi thở, bằng thiền, vậy thì tôi không bao giờ được phép lo lắng à?
Cũng với tiến trình như trên, bạn được phép sống với những lo lắng của mình nhưng bạn phải sắp xếp thời gian cho nó trước. Nếu bạn đang có một mối lo âu lớn, bạn có thể dành ra cho nó khoảng 1 tiếng hay bao nhiêu lâu cũng tuỳ ý, để bạn tha hồ ngồi suy tư, căng não cùng nó với điều kiện trong thời gian ấy bạn chỉ tập trung giải quyết nó thôi chứ không được làm cùng lúc nhiều việc khác.
Ví như lúc bạn vừa ăn bạn vừa nghĩ đến nó, lúc bạn đang ngủ bạn cũng nhớ đến nó là không được, là không phải “giờ nào việc ấy” rồi. Khi làm nhiều việc đan xen lẫn lộn như vậy, bạn đã vô tình tự không tôn trọng chính mình, lúc ăn, lúc ngủ, lúc tắm, … bạn cũng không để cho mình được thảnh thơi để làm cho trọn vẹn những việc ấy.
Nếu phân tích sâu hơn, thói quen này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn rất nhiều. Vừa ăn vừa suy nghĩ dẫn đến bệnh đau dạ dày, vừa ngủ vừa vọng tưởng làm cho bạn thêm khó ngủ, ngủ không đủ giấc làm tinh thần mệt mỏi uể oải hơn.
Khi cần phải suy nghĩ để giải quyết một vấn đề, hãy chọn ra cho mình một thời gian hợp lý và một chỗ ngồi lý tưởng, nơi bạn có thể tự do để cho tâm trí mình bay bổng miễn là sau đó, vấn đề của bạn phải có giải pháp. Trong lúc ấy, tuyệt đối không được làm thêm những công việc khác, không tán gẫu thêm với ai, không vừa làm vừa ngủ vừa nghỉ, … nói chung hãy tận dụng trọn vẹn thời gian cho đúng công việc đang làm.
Đến đây bạn có thể hiểu được cách hoạt động để đạt được hiệu suất tối ưu cho mọi công việc, là hãy nhận biết rõ mình đang làm gì và tập trung toàn lực vào nó cho đến khi hoàn thành xong.
Đó cũng chính là thông điệp về bản chất của thiền mà tôi muốn nhắn nhủ: thiền là nhận biết rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nói cách khác, thiền là khả năng tỉnh thức và ghi nhận chính xác những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta.
Những giây phút hiện tại mới thực sự là cuộc sống của ta bởi vì đời sống không bao giờ có thể xảy ra ở một thời điểm nào khác ngoài phút giây hiện tại.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng mắc phải thói quen luôn hoài niệm, nuối tiếc vì một điều gì đó ở quá khứ, hoặc lo lắng cho những vấn đề mà ta cho rằng có lẽ nó sẽ xảy ra ở tương lai. Trong khi suy nghĩ thấu đáo hơn, bạn sẽ thấy rằng quá khứ thì không thể quay lại, không gì có thể làm thay đổi nó được, còn tương lai sẽ xảy ra những gì ta lại không biết chắc chắn.
Thế nên lưu luyến quá khứ, lo sợ tương lai có phải là vô ích lắm không? Trong ngạn ngữ Eskimo có câu: “Quá khứ là tro tàn, tương lai là gỗ, chỉ có ngày hôm nay là lửa sáng chói lòa”. Thật đúng là như vậy, những giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất, là cuộc sống của ta, là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi vấn đề.
Nếu như bạn đang hối tiếc một điều gì đó mà mình đã không làm được tốt trong quá khứ, thì hiện tại chính là cơ hội để bạn sửa sai nó. Nếu bạn đang lo lắng liệu trong tương lai kế hoạch làm ăn của mình có thành công không, thì chỉ có những nỗ lực, hành động trong hiện tại mới giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch đó.
Mọi sự vật, hiện tượng không thể nằm ở đâu khác ngoài giây phút hiện tại, thế mà bao lâu qua chúng ta đã vô tình lãng phí phút giây ấy bằng những suy tưởng, vọng động mê mờ mà ta đã vô tình để cho cái tâm của mình tha hồ dẫn dắt.
Một trong những bi kịch của con người là tất cả chúng ta đều có khuynh hướng lảng tránh cuộc sống. Thay vì cảm nhận những sự thật đang diễn ra xung quanh, chúng ta lại thích mơ về những viễn cảnh xa xôi trong tương lai, như thể những điều ấy được vẽ nên từ trí tưởng tượng phong phú của chính chúng ta, khiến chúng trở nên vô cùng huyền ảo mê hoặc.
Sự thật là cuộc sống chỉ có thể diễn ra trong từng hành động bạn đang làm ngay lúc này thôi. Do vậy hãy sống trọn vẹn từng giờ, từng khắc của hiện tại, hãy sống trọn vẹn một ngày thật bình an và chan chứa tình yêu thương đến tất cả mọi người. Chỉ có làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại mới giúp ta tạo nên những điều thực sự ý nghĩa, mang lại lợi ích cho chính bản thân và cho cộng đồng, chính những hành động thiết thực ấy sẽ mang đến những nhân duyên tốt lành cho ta trong tương lai.
Đó cũng là ý nghĩa thực sự của cuộc sống này. Trong tác phẩm “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, tác giả Dale Carnegie cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần về ý nghĩa của việc sống trong thực tại. Ông cho rằng trong chúng ta ai cũng có lúc phạm phải sai lầm hoặc những điều ngớ ngẩn, ngay đến Napoleon cũng từng để thua nhiều trận đánh quan trọng của mình.
Dù sao thì cũng chẳng ai có thể quay ngược lại quá khứ, do vậy bạn hãy ghi nhớ rằng, sống với hiện tại để quá khứ tự chôn vùi những sai lầm của nó. Để kết lại những ý nghĩa của giây phút hiện tại trong thiền, chúng tôi mượn lời của một nhà thơ, nhà thần học nổi tiếng người Ý – Dante Alighieri, ông đã nói như sau: “Hãy biết rằng ngày hôm nay sẽ không bao giờ trở lại”.
Ta hãy trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại bởi vì ngày hôm nay chính là tài sản quý giá nhất của chúng ta và là tài sản mà ta chắc chắn có.
Nhận biết những gì đang xảy ra với tâm trạng biết chấp nhận
Ở một góc độ khác, có khi nào bạn đang thực hiện một hành động, bạn cũng nhận biết rõ bạn đang làm nó, nhưng tâm trí bạn có đan xen nhiều cảm xúc lẫn lộn vào.
Bạn đang phải đánh máy một xấp tài liệu, nhưng trong lòng đang bức xúc vì sao mình phải làm nhiều việc quá, rằng nó đáng lẽ phải là việc của người A, B, C mà bây giờ mình phải làm. Bạn đang dọn dẹp nhà cửa, nhưng rất tức giận vì sao mình dọn hoài mà mọi người luôn bày bừa hoài.
Ngay những lúc ấy chính là lúc bạn cần thiền. Đúng là bạn đang nhận biết rõ những gì trong giây phút hiện tại, đúng là bạn có thiền, nhưng tâm trí bạn vẫn không được tĩnh lặng, bình an mà đang như muốn chống đối lại với những gì đang diễn ra. Như thể một hoạ sĩ đang vẽ tranh, nhưng trong lòng đang tức giận vì bị ép vẽ, và cuối cùng liệu tác phẩm của anh ta có được hoàn hảo? Để đối trị với dòng tâm thức này, bạn phải học thêm một kỹ năng khác gọi là tập sống chấp nhận, hay còn gọi là tuỳ duyên.
Khi các sự việc, hiện tượng xảy ra trong giây phút hiện tại, ta hãy ghi nhận nó với cái tâm bình thản nhất. Một sự bất như ý nào đó xảy ra, có thể là cố tình hay ngoài ý muốn, thì hãy cứ hiểu là, nó đã đủ nhân duyên hội tụ để được xảy ra, ta hãy cứ chấp nhận nó trước rồi có giải pháp với nó sau.
Một vụ va chạm xe ngoài phố, một trách nhiệm nặng nề đột ngột được giao phó bắt bạn phải hoàn thành, một căn bệnh quái ác xảy ra cho mẹ bạn, … tất cả đều được lý giải bằng hai chữ “đủ duyên”. Có rất nhiều người trong chúng ta phản ứng với những tình huống bất như ý bằng thái độ chống đối, như là gào thét, tranh cãi, chửi rủa, đập phá, … Những lúc ấy bạn có công nhận rằng tâm trí của bạn đã không còn bình tĩnh nữa, thậm chí nó đã đi đâu mất rồi để nhường chỗ cho những thái cực sân si đang trú ngự, thế thì làm sao mà bạn có thể giải quyết tình huống một cách tốt nhất được.
Thiền sẽ phát huy tác dụng vào lúc này nếu bạn còn đủ bình tĩnh để nhớ đến nó. Thiền làm cho bạn nhận ra được sự việc đang diễn ra là như thế nào, và kế đến, điều cần làm là phải chấp nhận sự việc, xem điều bất như ý ấy đã đủ duyên để xảy ra.
Thái độ chấp nhận làm cho những tâm trạng tiêu cực và quá khích của bạn tạm lắng xuống, nhường chỗ cho sự sáng suốt, trí tuệ minh mẫn và cả óc sáng tạo để giải quyết vấn đề. Và chỉ khi có đủ tỉnh táo, bình tâm, con người chúng ta mới hoàn thành tốt mọi việc dù là khó hay dễ, dù đơn giản hay phức tạp.
Khi hai chiếc xe va chạm trên đường, nếu một trong hai tài xế lớn tiếng và quát tháo trước, nhiều khả năng tài xế kia cũng bức xúc không kém và phản hồi lại bằng những từ ngữ thô tục, và kết cục cũng có thể được giải quyết bằng bạo lực. Nhưng nếu một trong hai người có thái độ ôn hoà, nói chuyện rõ ràng nhỏ nhẹ với người kia, thì tôi dám chắc rằng dù có giận đến đâu người kia cũng sẽ không muốn lớn tiếng hay quát tháo làm gì nữa.
Không phải chỉ những ai có bản tính nóng nảy mới cần biết và rèn luyện điều này, tất cả ai trong chúng ta cũng mắc phải mà không hề hay biết. Như tôi đã đưa ra ví dụ ở trên, khi làm việc mà bạn có những ý nghĩ tiêu cực trên chính công việc bạn đang làm nghĩa là bạn cũng đã mất thiền rồi.
Hãy nhớ lại kỹ năng vừa được học, tập chấp nhận mọi sự việc trước, rồi khi nào cảm thấy tâm trí bình ổn, ta hãy đi đến bước giải quyết vấn đề sau.
Thường thì con người chúng ta thường mắc phải sai lầm là, một sự việc bất như ý xảy ra, ta phải la hét quát tháo trước mới cảm thấy hả giận, rồi sau đó sẽ là sự trỉ chích, đổ lỗi, phê phán, cuối cùng mới là giải quyết vấn đề.
Quy trình này chưa từng được xem là cách hợp lý trong kỹ năng giải quyết vấn đề, nó chỉ làm thái độ tiêu cực từ bạn được lan toả sang nhiều người khác, sang cả một đội ngũ, và cuối cùng ai cũng bị tâm sân si làm cho ảnh hưởng để rồi cách giải quyết dù có hay đến cỡ nào thì cũng đã lấy đi ít nhiều năng lượng tốt lành, niềm vui của những người trong cuộc.
Hãy tưởng tượng một nhân viên làm sai bảng hợp đồng quan trọng của công ty, bị Sếp phát hiện và tức giận gọi lên phòng nói chuyện. Trước mặt nhân viên, Sếp quát tháo và trách mắng thậm tệ, còn đập cả điện thoại và xé tài liệu ngay lúc đó, tự hỏi nhân viên ấy sẽ cảm thấy nặng nề như thế nào. Cho dù người Sếp có cho nhân viên cơ hội làm tiếp, được về phòng sửa lại hợp đồng thì người nhân viên vẫn cảm thấy mệt mỏi và áp lực vô cùng, có khi vừa làm vừa khóc trong nước mắt, vừa sợ một người Sếp hung dữ khủng khiếp mà cũng vừa tự trách mình hậu đậu.
Tôi cam đoan rằng, nhân viên ấy sẽ không thể vì bài học được ăn mắng để có thể tiến bộ hơn, mà không sớm thì muộn cũng sẽ xin nghỉ để đi làm chỗ khác.
Thiền đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý tình huống. Sự bình tĩnh, tập trung, định tâm mang lại cho ta những sáng kiến bất ngờ, những cách xử lý thông minh mà những tâm thức với đầy sân si không bao giờ làm được. Do vậy, hãy ghi nhớ đặc điểm thứ hai trong thiền đó là tập cách sống thuận theo nhân duyên, biết chấp nhận sự việc trước rồi mới giải quyết vấn đề sau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Rèn Luyện Thói Quen Thiền
Từ hai đặc điển trên của thiền, ta hiểu được rằng khi tâm được ở trong trạng thái phẳng lặng, thì năng lượng tích cực sẽ được tái tạo mạnh mẽ bên trong con người. Bởi vì lúc ấy những phiền não, lo toan và ý nghĩ tiêu cực không có cơ hội được sinh khởi.
Có thể nói, thiền sẽ giúp mang lại sự hiệu quả trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Nếu làm việc mà có thiền sẽ giúp công việc được vận hành trơn tru hơn vì ta thực sự đang đặt hết tâm huyết vào nó.
Nếu yêu nhau mà có thiền thì sao? Thì ta sẽ không còn nhìn người yêu cùng với những ý nghĩ phán xét, chê trách hay so sánh người yêu mình với bất kỳ ai khác. Tình yêu sẽ được giảm đi những giận hờn vu vơ, những mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng tích cực hơn.
Nếu như trong một thời điểm nào đó, bạn cảm thấy thực sự căng thẳng và kiệt sức vì tất cả mọi thứ, hãy khoan vội quyết định hay làm gì cả. Ngay lúc này, hãy cho tâm được nghỉ ngơi, bạn chỉ cần ngồi một chỗ và lắng nghe hơi thở mình, chúng ra vô nơi đầu mũi như thế nào. Chỉ với từ 5 đến 10 phút ngồi lặng im quan sát hơi thở như vậy, ít ra bạn sẽ phần nào cảm thấy bình tĩnh trở lại, đầu óc trở nên sáng suốt hơn và có thêm một ít năng lượng để tiếp tục với công việc đang diễn ra.
Việc thực hành thiền dành cho những người mới bắt đầu cũng như thế. Mỗi ngày, bạn hãy chọn một khoảng thời gian thích hợp cho riêng mình, có thể là lúc sáng sớm khi không gian còn tĩnh lặng, chọn một vị trí thoải mái trong nhà, bạn ngồi bệt xuống trong tư thế hai chân xếp bằng, lưng thẳng, hai tay đặt nhẹ trên hai đầu gối hoặc đan vào nhau để trên chân, mắt nhắm hờ, môi mỉm cười nhẹ và bắt đầu quan sát hơi thở.
Bạn có thể tham khảo tư thế ngồi thiền từ các video clip trên youtube. Hít vào, bạn cảm nhận được hơi thở đi vào từ đầu mũi và trôi xuống cổ họng như thế nào, nhanh hay chậm, nhẹ hay mạnh. Thở ra, bạn cảm nhận được chúng đi ra như thế nào, hãy để cho tâm ghi nhận cụ thể rõ ràng từng hơi thở một.
Cứ như thế, bạn ghi nhận tiến trình này trong suốt quá trình thiền. Ban đầu nếu chưa quen và cảm thấy hơi khó chịu, bạn chỉ nên ngồi từ 5 phút trở xuống. Sau này khi đã quen và cảm thấy yêu thích việc hành thiền rồi, hãy ngồi lâu hơn 1 chút, tăng lên từ 15 phút, đến 30 phút, rồi 45 phút hay một tiếng tuỳ vào khả năng của mình.
Thời gian bạn ngồi được chính là khoảng thời gian bạn đang để cho tâm trí mình được thư giãn hoàn toàn, tránh khỏi những suy nghĩ, lo âu quấy nhiễu đã càng làm bạn mệt mỏi suốt cả ngày dài. Khi đã hình thành nên thói quen hành thiền mỗi ngày tại nhà, bạn sẽ dễ dàng ứng dụng chúng vào các sinh hoạt trong đời sống hằng ngày hơn.
Trong lúc ăn uống, lái xe, làm việc, học tập, nấu ăn, … bạn sẽ có ý thức ghi nhớ về thiền và dễ nhận ra khi nào mình đang bị mất tập trung, để ngay lập tức xua tan những suy nghĩ vô ích và quay trở lại với phút giây hiện tại.
Lời Kết
Đến đây có lẽ bạn cũng phần nào hiểu được những điều căn bản về thiền.
Nói một cách ngắn gọn, thực hành thiền là bạn cho mình ngồi lặng yên quan sát hơi thở và hạn chế để những suy nghĩ vẫn vơ làm cho mình bị động tâm.
Và ứng dụng thiền thành công là trong mỗi vấn đề xảy ra, bạn đều nhận biết được nó rất rõ ràng và hay biết tâm mình đang muốn gì. Không bị cảm xúc bị cuốn đi một cách ào ạt như trước nữa.
Hãy siêng năng thực hành thiền và set up những thời khoá thiền cho mình mỗi ngày tại nhà, để tăng cường sự tập trung và làm cho công việc lẫn cuộc sống được hiệu quả hơn nhé.