Từ xưa đến nay, chúng ta đều biết rằng việc cầu nguyện đơn giản chỉ là những lời khẩn cầu của con người, như là một sự kết nối và tìm kiếm nguồn hỗ trợ tâm linh từ Đấng tối cao. Và khoa học cũng chưa có những bằng chứng cụ thể về năng lực của sự cầu nguyện.
Tuy nhiên, gần đây khoa học hiện đại cũng đang dần hé mở những bí ẩn về sức mạnh trong lời cầu nguyện. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng lời cầu nguyện có thể mang đến những lợi ích về mặt tinh thần, giúp chúng ta vượt qua đau khổ, thử thách trong cuộc sống.
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá ra sức mạnh tâm linh đến từ lời cầu nguyện, từ những tác động tích cực lên tinh thần cho đến thể chất.
Bạn đừng quan trọng là mình có theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào không, mình chỉ muốn nói rằng, những lợi ích từ việc cầu nguyện là điều vô cùng tốt đẹp mà bạn nên đọc qua và khám phá nó dù chỉ một lần. Mời bạn đọc bài viết nhé!
Quan Điểm Tích Cực Về Lời Cầu Nguyện
Có lẽ trước giờ bạn chỉ nghĩ đơn giản rằng, cầu nguyện được thực hiện khi một con người đang bị bế tắc về vấn đề nào đó, và lời cầu xin được thốt ra để hy vọng rằng đấng tối cao sẽ nghe thấy và thông qua con đường tâm linh, sẽ có thể trợ giúp phần nào đó cho họ.
Bây giờ, xin mời bạn đọc qua một số quan điểm về lời cầu nguyện, để hiểu thêm về ý nghĩa cũng như mục đích sâu sắc của nó nhé.
Quan điểm Khoa học
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về những lợi ích và hiệu quả của việc cầu nguyện. Tuy nhiên, một số nghiên cứu từ các trường đại học uy tín trên thế giới như Đại học Duke, Harvard, Wisconsin-Madison,… đã cho thấy cầu nguyện có thể mang lại lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất, chẳng hạn như giảm stress, lo âu, và cải thiện hệ miễn dịch và tâm trạng.
Những nghiên cứu này đưa ra các cơ chế hoạt động mà việc cầu nguyện tác động lên thể chất của con người như sau:
- Lời cầu nguyện kích hoạt phản ứng thư giãn, giúp giảm nhịp tim, huyết áp và hormone stress.
- Lời cầu nguyện kích thích những tư duy tích cực, do não bạn đã chủ động tạo ra và gởi đi những thông điệp tốt đẹp.
- Lời cầu nguyện giúp bạn tăng cường ý thức về mục đích sống, mang lại cho bạn năng lượng, ý chí phấn đấu và sự tin tưởng vào tương lai.
Quan điểm Tôn giáo
Nhiều tôn giáo tin rằng cầu nguyện là cách kết nối với một đấng tối cao hoặc nguồn năng lượng tâm linh, mà điển hình nhất là Đạo Phật.
Cầu nguyện được cho là giúp con người cảm thấy bình an, thanh thản và có thêm sức mạnh tinh thần.
➡ Đọc thêm: 7 Kênh Thông Tin Sức Khoẻ Hữu Ích Dành Cho Bạn
Quan điểm Cá nhân
Nhiều người tin rằng họ cảm nhận được năng lượng tích cực từ việc cầu nguyện. Họ cho rằng cầu nguyện giúp họ kết nối với bản thân, với người khác và với vũ trụ.
Mình xin lấy một ví dụ từ bản thân mình. Trước đây mình từng bị mất kết nối với Ba của mình do nhiều mâu thuẫn trong quá khứ. Từ khi mình biết cầu nguyện, mình đã thực hiện nó mỗi đêm trước giờ đi ngủ, mình cầu nguyện mọi điều tốt đẹp đến với ba, và mong rằng mối quan hệ cha con giữa mình và ba được cải thiện.
Từ lúc bắt đầu cầu nguyện, mình cũng luôn chủ động nghĩ tốt về ba và nói chuyện cởi mở với ba hơn. Dần dần, theo một cách tự nhiên, ba cũng tương tác tích cực và thường xuyên hơn với mình, gọi điện hỏi thăm, cho tiền tiêu vặt, tặng cây (mà ba trồng) cho mình,… Những điều này xảy ra vào khoảng 2 năm sau kể từ ngày mình cầu nguyện.
Đến nay thì mối quan hệ giữa mình và ba đã tốt đẹp hơn rất nhiều, 2 cha con tuy chưa có thể tâm sự 1 cách thân thiết nhưng sự giao tiếp đã thực sự tự nhiên và vui vẻ hơn so với trong quá khứ.
Mình rất vui vì điều này, mình tin rằng nó đến từ việc cầu nguyện của mình. Và cho đến nay là đã 6 năm, mình vẫn không ngừng cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người, cả về tinh thần và thể chất. Cho dù bạn tin vào năng lượng từ việc cầu nguyện hay không, thì cầu nguyện vẫn là một hoạt động có giá trị giúp con người kết nối với bản thân, với người khác và với thế giới xung quanh.
cầu nguyện có ích gì?
Sức Mạnh Tiềm Ẩn Từ Lời Cầu Nguyện
Từ trải nghiệm của bản thân, cộng với những kiến thức mình tìm tòi và học hỏi được, mình xin chia sẻ đến bạn một vài lợi ích mà những lời cầu nguyện chân thành sẽ mang lại cho cuộc sống của chúng ta.
Nâng cao tâm linh
Không thể chối bỏ một trong những nguồn gốc rõ ràng nhất của việc cầu nguyện là từ các nghi thức của Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Do vậy, một sức mạnh tâm linh mạnh mẽ của lời cầu nguyện mà mình muốn đề cập đến đầu tiên sẽ có liên quan rất mật thiết với tôn giáo. Cụ thể, cầu nguyện sẽ giúp cho chúng ta:
- Thể hiện lòng thành kính đối với Đấng tối cao mà ta đang tôn thờ, với những vị Bồ Tát, vị Thánh, những bậc giác ngộ.
- Giúp ta kết nối với năng lượng tâm linh để thêm tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp mà các tôn giáo đang chỉ dạy.
- Từ đó thôi thúc ta thực hành những bài học đó trong cuộc đời như nuôi dưỡng lòng từ bi, trí tuệ, giảm bớt tham lam, sân hận, học cách buông bỏ, vị tha,…
Tăng sức mạnh tinh thần
Đây là một lợi ích to lớn từ việc cầu nguyện mà mình đã được trải nghiệm và vô cùng biết ơn.
Với những ai có nội tâm không bền vững, hay lo âu, suy nghĩ nhiều, sống hướng nội, đa sầu đa cảm,…thì việc cầu nguyện phần nào đó sẽ giúp họ tìm thấy bình an trong tâm hồn. Nó như một chỗ dựa tâm linh thiện lành để họ nương tựa, và lấy đó làm niềm tin, hy vọng vượt qua trở ngại, tiến về phía trước.
Có thể điều này đến từ việc họ đã được bày tỏ, nói ra những điều mong mỏi bên trong họ, dù là chỉ bày tỏ với chính mình. Nhưng trên thực tế thì họ đang cho rằng họ bày tỏ với Đấng tối cao mà họ tôn thờ, và điều này đã mang lại cho họ những sức mạnh vô hình:
- Mang đến sự bình an nội tâm, giúp vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
- Tạo niềm tin, hy vọng và nghị lực để hướng đến những điều tốt đẹp.
- Giúp Phật tử sống thanh thản, nhẹ nhàng, bớt phiền não.
Thực hành lòng biết ơn
“Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn” – những bài học đầu tiên của chúng ta khi vừa cắp sách tới trường.
Việc thực hành lòng biết ơn và thường xuyên thể hiện nó, theo mình là vô cùng quan trọng. Hành động ấy khuyến khích chúng ta có xu hướng muốn giúp đỡ người khác nhiều hơn, tích cực xây dựng một cộng đồng thiện lành ở xung quanh mình. Và quan trọng là, lòng biết ơn sẽ nuôi dưỡng một con người có hạt giống thiện lành, biết nhân nghĩa, hiếu, kính trong mỗi chúng ta.
Lòng biết ơn sẽ được thực hành mỗi khi chúng ta cầu nguyện, điều này đã được Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo làm thường xuyên trong các nghi thức của họ.
Để thực tập điều này, bạn hãy thì thầm những điều biết ơn sau đây trong những lời khấn nguyện của mình:
- Biết ơn những điều tốt đẹp mà bạn đã có, cả những điều chưa tốt đẹp vì chúng đang giúp bạn học những bài học cần thiết cho sự trưởng thành.
- Biết ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục, biết ơn mọi nhân duyên đã cho bạn trở thành người như ngày hôm nay.
- Biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, cùng những người đã giúp đỡ, che chở cho bạn.
- Biết ơn vì mọi điều nhỏ nhặt nhất mà bạn đang có: cơm ăn mỗi ngày, mái nhà che nắng mưa, một cơ thể lành lặn, khoẻ mạnh,…
- …
Phát nguyện hướng thiện
Từ việc nuôi dưỡng lòng biết ơn, chúng ta lại thực hành ra bằng những hành động cụ thể. Và những hành động này trở thành những công việc thiện lành để giúp đỡ cho cộng đồng:
- Kiên quyết giữ mình trước những cái xấu, ác
- Giúp đỡ người khác trong khả năng có thể
- Hiếu thuận với gia đình và làm tròn bốn phận
- Tham gia tích cực vào các việc cộng đồng
- Lan toả những điều thiện lành để mọi người cùng thực hiện
- …
Kết nối cộng đồng
Cầu nguyện giúp con người kết nối với bản thân, với người khác và với vũ trụ. Khi cầu nguyện, họ gởi đi thông điệp đến vũ trụ, đôi khi là đến những người thân yêu nếu như họ đang cầu nguyện cho người ấy. Và điều này làm gia tăng sự kết nối tâm linh cho người thực hành việc cầu nguyện.
Nhân rộng ra, ta thấy được sức mạnh kết nối trong việc cầu nguyện nếu như bạn thực hiện chúng thường xuyên với tâm chân thành và mạnh mẽ
- Cầu nguyện còn giúp gắn kết cộng đồng tôn giáo của bạn
- Giúp bạn phát triển tâm chia sẻ, đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng
- Tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái
➡ Có thể bạn thích: Hiểu Về Thiền Để Tập Trung Hơn, Bớt Phiền Não Hơn
Thực Hiện Việc Cầu Nguyện Thế Nào?
Bạn có thể thực hành cầu nguyện ngay tại nhà trong một thời gian ngắn, để cảm nhận những sự thay đổi trong tâm hồn, tinh thần của bạn.
Việc cầu nguyện được diễn ra hết sức đơn giản, nếu bạn chưa từng làm việc này thì mình xin có một số hướng dẫn như sau:
Nơi cầu nguyện
Bạn nên đứng hoặc quỳ trước bàn thờ nhà mình. Nếu không có bàn thờ, bạn chọn một chỗ thanh tịnh, yên ắng như ban công, để bạn có thể hướng mặt ra bên ngoài, dõi mắt lên bầu trời trong lúc thì thầm lời cầu nguyện.
Thời điểm cầu nguyện
Có thể là lúc sáng sớm khi bạn vừa ngủ dậy, vào trước khi bạn chuẩn bị đi ngủ, vào trước mỗi giờ ăn cơm hoặc vào tất cả thời điểm trên nếu bạn có đủ thời gian để làm.
Thời gian cầu nguyện
Điều này không quá quan trọng và nó phụ thuộc vào nội dung lời cầu nguyện của bạn. Nếu bạn không có nhiều nỗi niềm mà chỉ muốn cầu cho tâm an, cuộc sống tốt đẹp, công việc ổn định,… thì chỉ cần thì thầm một lời nguyện ngắn gọn với tất cả thành ý là được.
Nội dung cầu nguyện
Nó phụ thuộc vào ý muốn của bạn, bạn đang mong muốn điều gì thì hãy gởi gắm vào lời nguyện cầu của mình. Và cũng đừng quên bày tỏ lòng biết ơn của mình sau mỗi lời cầu nguyện, như là sự tri ân của bạn dành cho thế giới mà bạn đang sống.
Nếu bạn không có bất kì nỗi niềm vướng bận nào, bạn có thể đưa những lời biết ơn như mình có gợi ý trong phần Thực Hành Lòng Biết Ơn ở trên vào lời cầu nguyện, và cuối cùng bạn hãy cầu mong cho những người thân yêu, những người xung quanh bạn luôn được tốt đẹp.
Một số bạn Phật tử có nhiều kiến thức về tôn giáo hơn, cũng thường lựa chọn và đọc một bài kinh dài mỗi đêm trước giờ đi ngủ như là một lời cầu nguyện.
Sự chân thành là điều tối quan trọng
Trong lúc cầu nguyện, bạn hãy luôn ghi nhớ cho mình một điều vô cùng quan trọng là: HÃY HẾT SỨC CHÂN THÀNH TRONG MỖI LỜI CẦU NGUYỆN.
Như mình cũng có nói ở trên, sức mạnh từ lời cầu nguyện đôi khi còn to lớn hơn những gì chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, bạn đừng cho là hễ muốn điều gì thì cứ cầu nguyện là được, và từ đó lạm dụng việc cầu nguyện cho những mục đích không chính đáng như xin sỏ những thứ không tương thích với chính mình, hoặc cầu cho ai đó mà mình có hiềm khích gặp những điều không may.
Lời cầu nguyện tốt nhất là khi được bạn thực hiện với một tâm thế hoàn toàn trong sáng, chân thành. Phần lưu ý bên dưới sẽ cho bạn biết rõ hơn.
Lưu Ý Bạn Cần Biết Về Cầu Nguyện
Ở trên là một số điều mình gợi ý cho những bạn lần đầu thực hành việc cầu nguyện tại nhà. Bên cạnh đó, còn có những lưu ý rất cần thiết mà bạn không nên bỏ qua về việc cầu nguyện, vì điều này cũng có ảnh hưởng lớn đến kết quả cầu nguyện của bạn.
Đó là:
- Cầu nguyện cần xuất phát từ tâm chân thành, không vụ lợi.
- Kết hợp với thực hành lời Phật dạy để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Tránh cầu xin những điều phi thực tế, trái với quy luật nhân quả.
- Chủ động làm phước thiện để lời cầu nguyện có hiệu lực nhanh .
- Không được cầu những điều không tốt đẹp dành cho người khác.
- Không nên cầu những thứ không tương xứng với mình.
Nếu bạn đã thực hành cầu nguyện một cách thường xuyên, chân thành và nghiêm ngặt nhưng lời khấn nguyện vẫn không thành thì cũng không cần tức giận, hãy hiểu đơn giản là duyên của mình chưa đủ để đón nhận nó.
➡ Rất hay: 7 Lối Sống Tích Cực Trên Thế Giới Bạn Nên Tìm Hiểu Qua
Đến lúc này, việc bạn cần làm là có những hành động cụ thể và thiết thực hơn bên cạnh việc cầu nguyện, đó là những việc ở trong phần ngay bên dưới đây.
Để Lời Cầu Nguyện Chóng Thành
Đây là những việc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc đời, nhiều phước báu, an lạc cho chính bản thân bạn mà mình nghĩ rằng, nên làm ở bất kỳ lúc nào, chứ không phải khi thấy lời cầu nguyện của mình khó đạt thành thì mới làm.
Giúp đỡ tài chính
Nếu bạn có tài chính dư dả, hãy phát tâm làm từ thiện để giúp đỡ những người nghèo khó xung quanh bạn, có thể là tặng họ vài hộp cơm, chai nước, hoặc nhiều hơn nữa là tặng gạo, quần áo, cúng dường nhu yếu phẩm cho nhà chùa,…
Duy trì việc thiện
Nếu bạn không có tài chính tốt, không thể bỏ ra nhiều tiền để làm việc thiện thì cũng đừng lo là mình không thể làm gì tạo ra phước báu. Chỉ cần bạn duy trì một con người sống thiện, sống lành, sống có trách nhiệm thì cũng là một hình thức tích phước rồi.
Trong gia đình, hãy sống có trách nhiệm với người thân, hiếu thuận với cha mẹ. Trong công việc thì hết lòng, siêng năng, tử tế. Nói không và bài trừ những điều xấu ác, phạm pháp,…bên ngoài xã hội.
Giữ 5 giới
5 giới này đến từ đạo lý của Nhà Phật mà mình cho là rất hay, rất chuẩn nên xin chia sẻ ở đây. Nếu bạn có thể giữ được hoàn toàn thì thật là tuyệt vời, còn không thì cũng nên hạn chế chúng một cách tối đa, đó là nhiều điều, những việc rất căn bản để hướng bạn đến một lối sống thiện lành:
- không sát sinh, trân trọng cuộc sống của những con vật quanh bạn
- không trộm cắp, dù là những thứ nhỏ nhặt nhất như cây kim, quả ớt,…
- không nói dối, dù là với trẻ nhỏ, dù là những điều mà bạn cho rằng nói như thế thì cũng đâu có sao, không tổn hại đến ai
- không tà dâm, không ngoại tình, không quan hệ bất chính
- hạn chế các loại đồ uống có cồn và các chất say, các chất kích thích,…
- hạn chế việc bỏ đồ ăn thừa quá nhiều, đổ đồ còn ăn được vào thùng rác trong khi ngoài kia, còn rất nhiều người bị đói ăn, nhiều trẻ em trên thế giới phải chết vì đói, vì khát,…(đây là điều thứ 6 mình bổ sung vào bên cạnh 5 giới cần giữ trong đạo nhà Phật ở trên)
Cầu Nguyện Trong Văn Hoá Tâm Linh Tây Tạng
Việc cầu nguyện này đã rất phổ biến trên thế giới. Ở đây mình xin lấy ví dụ về một nơi mà cầu nguyện được xem là một phần quan trọng trong văn hóa và đời sống tâm linh của người dân nơi ấy.
Đó chính là Tây Tạng – một khu vực tự trị thuộc Trung Quốc. Theo mình biết, tại đây họ thực hiện việc cầu nguyện mỗi ngày, mỗi đêm. Bất kể mưa hay nắng, bận hay không, họ đều cầu nguyện một cách rất nghiêm ngặt. Khi họ gặp bất kể chuyện gì như là chuyện xui rủi, con bị ốm, người thân mất tích, công việc không suôn sẻ,…thì điều đầu tiên họ làm không phải là tìm giải pháp mà là ngồi xuống để cầu nguyện.
Bạn có thể tìm đọc cuốn sách mang tên Thiên Táng của tác giả Hân Nhiên để hiểu thêm về điều này. Tác giả đã kể lại những trải nghiệm thực tế của một người phụ nữ có cơ hội sống với cộng đồng người Tây Tạng trong một thời gian dài. (Link sách tại đây)
Dưới đây là một số lý do để ta có thể hiểu thêm vì sao mà người Tây Tạng lại cầu nguyện thường xuyên như thế:
- Tôn giáo: Phật giáo là tôn giáo chủ đạo ở Tây Tạng. Cầu nguyện là một cách để người Tây Tạng thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật và các vị Bồ Tát.
- Niềm tin: Người Tây Tạng tin rằng cầu nguyện giúp họ kết nối với bản thân, với thế giới xung quanh và với năng lượng tâm linh. Hơn hết, họ có một niềm tin mãnh liệt là đấng tối cao có thể nghe được những lời cầu nguyện thành tâm của họ, và giúp được họ vượt qua một số khó khăn.
- Truyền thống: Cầu nguyện là một truyền thống lâu đời của người Tây Tạng, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người Tây Tạng thường cầu nguyện vào những thời điểm sau:
- Buổi sáng, sau khi thức dậy
- Trước khi ăn
- Trước khi đi ngủ
- Vào những dịp Lễ hội của cộng đồng
- Vào các ngày Sinh nhật
- Vào ngày Cưới hỏi
- Vào ngày Tang lễ
- Vào những khi gia đình có chuyện vui, hoặc có chuyện buồn
- Vào những lúc họ cảm thấy bất an, lo lắng,…
- …
Lời Kết
Cầu nguyện là một phương pháp tu tập hiệu quả trong Phật giáo và Thiên chúa giáo. Khi thực hành đúng cách, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đời sống tinh thần của mỗi người.
Để chứng ngộ điều này, bạn nên tự thực hành cầu nguyện tại nhà và cảm nhận tâm mình sau một thời gian coi sao nhé.